Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất quy định 13 loại chi phí tố tụng

22:39 14/12/2023

Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 28 diễn ra vào chiều 13/12.

Ảnh minh họa
Dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 28 . Ảnh: VGP.

Trình bày Tờ trình Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Việc xây dựng dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng nhằm tháo gỡ những khó khăn trong thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về chi phí tố tụng, góp phần quan trọng bảo đảm các điều kiện để hoạt động tố tụng được tiến hành kịp thời và hiệu quả…

Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Pháp lệnh hiện hành chỉ quy định đối với 4 loại chi phí tố tụng gồm: chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch. Điều 4 của dự thảo Pháp lệnh đã mở rộng, quy định đối với 13 loại chi phí tố tụng, trong đó, nhiều chi phí đã được rà soát và bảo đảm có căn cứ pháp luật. Do đó, việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp.

Đa số ý kiến tán thành quy định các chi phí phát sinh trực tiếp, gắn liền với các nhiệm vụ tố tụng được các luật tố tụng giao. Thực tế, khối lượng công việc thuộc các nhiệm vụ này rất lớn, phát sinh nhiều chi phí, nếu không được xác định là chi phí tố tụng, mà phải bố trí vào kinh phí chi thường xuyên theo định mức sẽ rất khó khăn cho các cơ quan tố tụng.

Về phụ cấp xét xử của Hội thẩm, tại phiên họp, các đại biểu cho ý kiến, đề nghị dự thảo Pháp lệnh cần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thi hành pháp luật về chi phí tố tụng. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; bảo đảm trình tự, thủ tục thu, nộp chi phí tố tụng đơn giản, thuận lợi; phục vụ việc giải quyết vụ án, vụ việc kịp thời, hiệu quả; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết vụ án, vụ việc của Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng có những nội dung cần thận trọng là cần thiết và việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại hai phiên họp là phù hợp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật là vấn đề rất quan trọng; do đó đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục làm kỹ lưỡng để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp lần sau.

Chủ tịch Quốc hội cho biết Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng được ban hành năm 2012. Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi, bổ sung năm 2014 và có hiệu lực từ năm 2015. Như vậy, Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 được ban hành trước Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.

Pháp lệnh 02/2012/UBTVQH13 quy định rõ về 4 loại chi phí, đồng thời có nguyên tắc là các chi phí được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh này và pháp luật có liên quan. Pháp lệnh 02 cũng nói rõ phạm vi nhưng không phải là tất cả chi phí tố tụng.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thật kỹ lưỡng nội dung của pháp lệnh này. Những chi phí để đảm bảo hoạt động cho các cơ quan tố tụng phải đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền, bên cạnh đó tham khảo kinh nghiệm thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về tính khả thi của dự án Pháp lệnh này. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Pháp lệnh không ủy quyền cho một cơ quan khác quy định chi tiết hướng dẫn của Pháp lệnh.

"Tuy nhiên thực tiễn muốn chi được, cần phải có quy định về định mức chi, tiêu chuẩn chi, cách chi đúng… Nên chăng Pháp lệnh này chỉ quy định về loại chi, còn mức chi như thế nào sẽ do pháp luật chuyên ngành và yêu cầu các cơ quan tổ chức liên quan phải quy định mức chi rồi dự toán chi cụ thể", Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.

Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các cơ quan tố tụng phải có ý kiến đối với dự án Pháp lệnh này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tinh thần là tạo điều kiện tối đa cho ngành Tư pháp, cho các cơ quan tố tụng thực hiện được nhiệm vụ theo đúng chức năng thẩm quyền, đồng thời đảm bảo tính khả thi và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cùng ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Với 100% Ủy viên tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Hà Lê