TS Tô Hoài Nam: Doanh nhân có vai trò cầu nối trong ngoại giao kinh tế

07:48 13/10/2023

Chia sẻ với Tạp chí DNHN, TS Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME cho rằng, trong ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ nói riêng hay với các quốc gia khác nói chung thì doanh nhân luôn là những người thực hiện chủ chốt.

Ảnh minh họa

Với những sự kiện lớn của đất nước gần đây (như Tổng thống Mỹ Joe Biden sang thăm Việt Nam và công nhận Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện hay sự kiện Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các Tập đoàn lớn của Mỹ,…), ông có nhìn nhận gì về những đóng góp của cộng đồng doanh nhân Việt Nam?

TS.Tô Hoài Nam: Chúng ta biết rằng trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam với Hoa Kỳ thì năm 2023 đã có một dấu mốc quan trọng, đó là nâng cấp mối quan hệ đối tác toàn diện thành đối tác chiến lược toàn diện. Điều này có rất nhiều ý nghĩa, tôi sẽ tiếp cận dưới góc độ cộng đồng doanh nghiệp còn về những ý nghĩa lớn lao khác nữa thì trong khuôn khổ trả lời của tôi sẽ không đề cập đến.

Thứ nhất, chúng ta biết là mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã phát triển rất mạnh mẽ trong gần 30 năm qua. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ bình thường hóa và đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã chứng kiến sự tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đối tác toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, điều này thể hiện sự phát triển ngày càng chặt chẽ và sâu sắc trong quan hệ hai nước. Nếu xem xét từ góc độ kinh tế, hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cho cả hai quốc gia. Cụ thể, Việt Nam có sự thay đổi và tăng trưởng về kinh tế, về thương mại, về công nghệ và chuyển đổi xanh. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất cần. Quan trọng hơn là việc hai bên đã xây dựng được niềm tin chính trị để qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Nếu nhìn vào quá khứ, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chỉ đạt khoảng hơn 35 tỷ USD trong các năm trước đó. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, con số này đã tăng gấp bốn lần, chứng tỏ sự phát triển vượt bật. Từ năm 2022, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và vượt mốc 100 tỷ USD. Đây là dấu mốc rất quan trọng đối với những tính toán về mặt chiến lược đặc biệt là về mặt kinh tế.

Khi chúng ta tiến xa hơn và nâng cấp mối quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện, điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đa dạng. Trong số đó, lĩnh vực khoa học và công nghệ có tiềm năng rất lớn. Muốn phát triển kinh tế, muốn doanh nghiệp phát triển thì phải dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, của chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Và thực tế, chúng ta thấy được chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm phát triển những lĩnh vực đó dựa vào mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã sang thăm Hoa Kỳ và trong chuyến thăm đó Thủ tướng đã tiếp xúc với rất nhiều tập đoàn lớn của Hoa Kỳ. Điều đó thể hiện nỗ lực của chính phủ Việt Nam để tạo nên sự đột phá về khoa học công nghệ, về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn và có thể tiếp cận hơn với những thành tựu công nghệ hàng đầu thế giới và bản thân Hoa Kỳ cũng đã khẳng định sẽ chuyển giao cho Việt Nam những công nghệ tốt để Việt Nam có thể đột phá được trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam đến thăm Công ty Meta (Ảnh: Dương Giang).
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các lãnh đạo bộ, ngành Việt Nam đã có chuyến thăm đến Meta - Công ty mẹ của Facebook.

Ngoài nỗ lực trên thì Việt Nam cũng đang chuẩn bị một môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, bao gồm việc xây dựng các văn bản hệ thống pháp luật đảm bảo khớp nối được các điều kiện tạo nên môi trường kinh doanh hấp dẫn đối tác từ Hoa Kỳ.

Trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ suốt thời gian qua, để tạo nên niềm tin chính trị và sự tôn trọng lẫn nhau giữa 2 nước thì có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt đã luôn cố gắng để đẩy mạnh giao thương giữa hai nước trong mấy chục năm qua. Hoạt động giao thương giữa doanh nghiệp, doanh nhân hai nước thực chất ẩn vào đó là hoạt động ngoại giao nhân dân. Có thể nói, trong ngoại giao nhân dân thì doanh nghiệp, doanh nhân là những người thực hiện chủ chốt. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò của các nhà ngoại giao, nhà chính trị gia nhưng chính những doanh nhân, doanh nghiệp mới là người thực hiện rất cụ thể những bước đi trên hành trình thiết lập mối quan hệ giữa 2 nước. Doanh nhân có vai trò làm cầu nối trong ngoại giao kinh tế và cũng chính vì lẽ đó nên mới gọi doanh nhân là “người lính” của mặt trận thời bình.

Để có được 100 tỷ USD xuất khẩu sang Mỹ thì chủ yếu là doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện. Chỉ nhìn vào con số đó thôi đã thấy được vai trò quan trọng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Họ đã đóng góp phần nào cho niềm tin chính trị, góp phần cho việc hai bên nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện. Vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp rất lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn tác động về mặt xã hội. Những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp Việt đã giúp người dân mỗi nước hiểu nhau hơn, có thêm nhiều niềm tin về nhau hơn cũng như là quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

Ngoài ra, trong mối quan hệ giữa Việt Nam - Hòa Kỳ, chúng ta không thể nào không ghi nhận những đóng góp của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Với sự hỗ trợ của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối rất quan trọng để doanh nghiệp hai nước hiểu nhau. Qua đó, tạo nên nền tảng vững chắc cho ngoại giao giữa hai quốc gia.

Vậy ông có kiến nghị cụ thể gì với Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian sắp tới?

TS.Tô Hoài Nam: Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều FTA thế hệ mới với rất nhiều các nước phát triển trên thế giới. Vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này mở ra rất nhiều tiềm năng hoạt động, trong đó ngoài kinh tế ra còn có cả văn hóa, thể thao và nhiều lĩnh vực xã hội khác. Mối quan hệ này đã lan tỏa ra rất nhiều các quốc gia trước đây vốn còn chần chừ, còn e dè với Việt Nam thì cũng sẽ theo xu thế này mà mở ra nhiều cơ hội khác cho Việt Nam. Bởi lẽ, Hoa Kỳ vốn là một quốc gia rất khắt khe trong việc lựa chọn ra một đối tác chiến lược toàn diện, đặc biệt là đối tác về kinh tế để chuyển giao những công nghệ hiện đại. Đây cũng là một nước có rất nhiều luật, và một khi họ đã đặt đặt niềm tin và lựa chọn Việt Nam như một đối tác quan trọng như vậy thì chắc chắn đây sẽ là tiền đề mở ra cơ hội cho Việt Nam hợp tác thêm nhiều quốc gia hơn nữa.

Tuy với lợi thế như vậy nhưng để khai thác hết những cơ hội đó thì đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thật sự có chất lượng. Cơ hội mở ra cũng đồng nghĩa với việc đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải được nâng cao, từ phương thức quản lý, công nghệ, phương thức bán hàng, tiếp cận đối tác, các vấn đề an toàn cho người sử dụng, vấn đề về nguồn gốc,… Những vấn đề này chúng ta phải tổ chức một cách bài bản thì mới có thể khai thác được những lợi thế đó.

Trong thời gian sắp tới với những cơ hội mà tôi đã nói ở trên đòi hỏi chúng ta phải phát huy hết những nội lực. Muốn làm điều đó thì Chính phủ phải có nhiều hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Có ba yếu tố cơ bản để giúp cho các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới và 3 yếu tố này cần phải được tập trung ngay.

Yếu tố thứ nhất là khả năng tiếp cận vốn; yếu tố thứ hai là khả năng tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ; và yếu tố thứ ba là hệ thống pháp luật trong đó đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính cần phải được thay đổi. Đây là những yếu tố cơ bản, còn rất nhiều yếu tố khác ví dụ như chống tiêu cực, công nghệ thông tin, thị trường v.v… Nhưng ba yếu tố tôi vừa đề cập trên là ba yếu tố cơ bản, điều kiện cơ bản để đưa một doanh nghiệp phát triển.

Cụ thể về tiếp cận vay vốn, đây luôn là vấn đề cấp thiết và nóng lên từng ngày. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, tiếp cận vốn giúp họ có thể đáp ứng cho những yêu cầu trong kinh doanh, chuyển đổi về phương thức kinh doanh, về phương thức quản lý cũng như phương thức bán hàng. Ví dụ muốn tăng cường sản xuất, đảm bảo được sự cạnh tranh cho ngành hàng thì phải có sự thay đổi trong mua sắm thiết bị máy móc. Cái đó dứt khoát không thể không làm, vì muốn nâng cao được năng suất lao động thì phải có thiết bị công nghệ mới và đã đặt vấn đề về thiết bị công nghệ thì phải đặt vấn đề về vốn đầu tư trung và dài hạn. Điều này đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải có nỗ lực rất cụ thể để cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận được vốn.

Hiện nay với các điều kiện của ngân hàng thương mại thì có thể nói là doanh nghiệp rất khó để tương thích cùng. Hai bên đều rất mong muốn tiếp cận với nhau nhưng lại đều e ngại. Chúng ta có thể thấy được hiện nay, bối cảnh thị trường rất phức tạp với nhiều yếu tố rủi ro từ bên ngoài, doanh nghiệp sau 3 năm khó khăn thì những đồng vốn cuối cùng đem vào kinh doanh cũng đã đến lúc cạn kiệt. Lúc này doanh nghiệp đã thực sự yếu đi và đây là thời điểm họ cần tiếp cận vốn nhất. Thế nhưng đây cũng là thời điểm doanh nghiệp đang gặp nhiều vấn đề rủi ro cao hơn bình thường, phương án kinh doanh cũng không thể khả khi như lúc môi trường ổn định được. Mà ngân hàng khi đứng trước bối cảnh đó thì vẫn phải đảm bảo phòng ngừa trước những yếu tố rủi ro, họ vẫn phải cẩn trọng, đó là điều không thể khác được vì ngân hàng phải bảo toàn vốn. Rõ ràng lúc này, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn, cần mở ra những quỹ hỗ trợ phát triển, những quỹ đầu tư. Những quỹ này có thể do Nhà nước sở hữu, có thể là Nhà nước và tư nhân đồng sở hữu hay có thể là hoàn toàn tư nhân sở hữu nhưng phải có cơ chế mở ra ngay để cho các quỹ vận hành, qua đó tăng cường mạnh mẽ một kênh tiếp cận vốn để giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại thì đương nhiên vẫn phải nằm trong quỹ đạo vốn có chứ không thể đột phá ra được, mà ngân hàng đã cẩn trọng hơn nghĩa là sẽ họ sẽ quan tâm đến tài sản đảm bảo nhiều hơn, coi trọng hơn tính chắc chắn của phương án kinh doanh, coi trọng hơn các tính minh bạch vì đã có luật tín dụng và không thể nào vượt qua quỹ đạo đó được. Chính vì thế, kênh mà có thể đột phá được đó là tiến hành các kênh dẫn vốn khác.

Ý thứ hai là về mặt hệ thống pháp luật thì phải loại bỏ ngay những quy định không phù hợp, lệch nhịp với thực tiễn, gây khó khăn cho việc thực hiện, hạn chế càng nhiều tầng nấc càng tốt. Tôi cảm thấy rất phấn khởi vì trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ và Quốc hội đã đề cập đến cơ chế trao quyền, đặc biệt là cho các địa phương. Đây là một tác nhân quan trọng vì khi đã đủ thẩm quyền rồi thì bắt buộc địa phương phải tự giải quyết chứ không thể đẩy sang Trung ương, không thể đưa sang các ngành khác được. Chính vì vậy nên cơ chế trao quyền để thực thi là một trong những định hướng cực kỳ quan trọng để giảm đi các tầng nấc, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tiết kiệm thời gian, qua đó cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, nguyên tắc cơ bản là phải áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số, điện tử. Bởi lẽ, kỹ thuật số và hệ thống công nghệ thông tin sẽ giúp khớp nối giữa các hệ thống pháp luật với nhau, và trong quá trình thực hiện thì các thiết bị công nghệ thông tin còn phát hiện ra những bất hợp lý, những điểm xung khắc giữa các quy định văn bản pháp luật khác nhau.

Và cuối cùng là tiếp cận mặt bằng. Chúng ta biết rằng tất cả các đổi mới sáng tạo của thế giới cơ bản đều nằm ở doanh nghiệp nhỏ và vừa. Không những ở Việt Nam mà ở Mỹ, ở Nhật và ở các nước châu Âu đều như vậy. Khi muốn đổi mới sáng tạo, muốn sản xuất thì cần phải có mặt bằng. Theo tôi, cơ chế tiếp cận đất đai cần phải được đột phá. Rõ rãng chúng ta thiếu hẳn những khu từ 1000 đến 3000 m2 dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà đối với các doanh nghiệp cỡ vừa thì các nhà máy xưởng sản xuất đôi khi cũng chỉ cần 1000 đến 2000 m2 thôi nhưng thực tế là đang rất thiếu . Mặt bằng có thể nói là khó để đáp ứng được điều kiện đủ cho doanh nghiệp. Mà nếu chúng ta chỉ có dịch vụ thương mại, buôn bán nhập chỗ này bán chỗ kia thì không thể có yếu tố chất lượng doanh nghiệp tốt và bền vững được. Nên điều kiện đủ là cần phải tiếp cận mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp hoạt động.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

Bảo Bảo (thực hiện)