TS Tô Hoài Nam: Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh nỗ lực vươn lên

16:34 19/08/2022

Chia sẻ về thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: Nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" được triển khai thông suốt sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
TS. Tô Hoài Nam: Kết quả thực tế thời gian qua khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Ảnh: VGP/Hoàng Giang. 

Theo TS. Tô Hoài Nam, Việt Nam bước vào năm 2022 trong bối cảnh đại bộ phận doanh nghiệp đều bị tổn thương do phải chịu sự tác động bất lợi của đại dich COVID-19, "sức khỏe" của cả doanh nghiệp, lẫn người lao động đã bị "bào mòn". Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai, khả năng thích ứng linh hoạt với muôn vàn khó khăn từ đại dịch. 

Với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, kịp thời, Chính phủ đã xây dựng, thiết kế nhiều chính sách, biện pháp thiết thực hỗ trợ cộng đồng kinh doanh và môi trường kinh doanh. Điển hình như: Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Nghị định 34/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 về gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; Quyết định 08/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và nhiều chính sách khác. Hệ thống các chính sách này thực sự kịp thời và cần thiết với cộng đồng kinh doanh, nếu đặt trong thời điểm kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Sau thời gian triển khai, thực tiễn đã kiểm nghiệm về ý nghĩa, tác dụng của chính sách này, góp phần quan trọng để tạo ra động lực kích thích tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Có thể thấy, trong 7 tháng đầu năm, phần lớn các ngành, lĩnh vực kinh tế của Việt Nam đều có bước tăng trưởng và trở lại hoạt động bình thường, phần lớn đều đạt ở mức phục hồi 80-90% trong "điều kiện bình thường mới". Kinh tế vĩ mô ổn định, mặc dù chịu nhiều sức ép từ bối cảnh thế giới có những biến động không thuận lợi. Lạm phát được kiểm soát ở ngưỡng đề ra, tỉ giá ngoại tệ tương đối ổn định, giá xăng dầu đang tiếp tục giảm, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh ở nhiều nhóm ngành hàng, thị trường nội địa đang phục hồi ở mức độ trên dưới 80%...

“Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, kết quả thực tế trên khẳng định được tính kịp thời, linh hoạt và sự phù hợp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chính điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh, để khu vực này nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo đà tăng trưởng cho thời gian tới", TS. Tô Hoài Nam bày tỏ.

Theo TS Tô Hoài Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đều là những doanh nghiệp dám hành động quyết liệt. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục hành động quyết liệt, khi cần phải dám tranh luận để đòi quyền được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chính đáng Nhà nước đã ban hành.

Cũng theo TS Tô Hoài Nam, từ những thuận lợi và khó khăn trong 7 tháng đầu năm 2022, thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý định hướng về môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Đó là sẽ tiếp tục giữ nguyên động lực phát triển của những tháng đầu năm.   

Ảnh minh họa
Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã tạo niềm tin cho cộng đồng kinh doanh nỗ lực vươn lên.
Trong "4 ổn định", có giữ ổn định được kinh tế vĩ mô, tức là giữ được nền tảng quan trọng để tạo các cơ hội, điều kiện là tiền đề cho sự phục hồi phát triển của cộng đồng kinh doanh, cho phát triển kinh tế năm 2022 và những năm tiếp theo. 

Đối với "ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân", theo TS. Tô Hoài Nam, trước mắt ưu tiên tạo việc làm và khuyến khích mọi hình thức tạo việc làm là bài toán an sinh xã hội cho hàng chục triệu lao động và gia đình của họ.

3 nội dung tăng cường cho thấy, bằng mọi giá phải thực hiện thành công chủ trương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" để đất nước, nhân dân và doanh nghiệp được an toàn trong điều kiện bình thường mới. Đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính để trên mọi phương diện kinh doanh và đời sống xã hội. Thực hiện sử dụng ngân sách cho mọi hoạt động phải hiệu quả, thiết thực, không hình thức, không lãng phí...

"1 kiên quyết không" là kiên quyết không điều hành giật cục, mà khoa học, hiệu quả chắc chắn. Lợi ích của việc này bao hàm rất rộng. Tuy nhiên, một khía cạnh nhỏ mà doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ích, khai thác nó để tăng cường hơn độ chính xác trong việc dự báo và xây dựng kế hoạch kinh doanh cho mình, đây là yếu tố chủ động rất cần thiết trong bối cảnh tình hình diễn biến kinh tế thế giới vẫn khó lường như hiện nay.

“Nếu thông điệp "4 ổn định, 3 tăng cường,  2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm, 1 kiên quyết không" được triển khai thông suốt trong khu vực hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cơ sở địa phương thì sẽ là những điều kiện vô cùng thuận lợi để cộng đồng kinh doanh Việt Nam vượt lên, bứt phá trong thời gian tới. Bởi lẽ Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế xét trên cả hai phương diện địa chính trị và quốc gia tham gia nhiều hiệp định thế hệ mới”, TS. Tô Hoài Nam nêu quan điểm..

Theo TS. Tô Hoài Nam, quan điểm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đã rất rõ ràng. Quan trọng là nhận thức và hành động cụ thể của các cấp, các ngành. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần chủ động đề nghị phối hợp với các bộ ngành, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên thông qua các hoạt động tư vấn pháp lý, kết nối thông tin, đào tạo tăng cường năng lực quản trị kinh doanh. Không ngừng liên kết, hợp tác và tự cường trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình để tạo thành khối gắn kết, đoàn kết, từ đó tạo nên quy mô đủ lớn về kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cho từng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

P.V