Truyền thông để người dân hiểu rõ nghề nào tăng tuổi nghỉ hưu

00:00 12/10/2020

Tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 15 thống nhất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhưng lưu ý cần làm tốt công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động, ngành nghề nào tăng tuổi nghỉ hưu.

Theo dự thảo mới nhất của dự luật, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu.

Cụ thể, phương án một, từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.

Phương án hai, Bộ luật Lao động sẽ quy định nguyên tắc tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60), từ ngày 01/01/2021. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động khác nhau.

Hai phương án đều quy định việc tăng tuổi hưu thực hiện đối với người lao động trong điều kiện lao động bình thường. Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.

 

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án một đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể trong luật về lộ trình cho từng năm để thực hiện nâng tuổi nghỉ hưu và xác định được thời điểm hoàn thành.

Tuy nhiên, việc áp dụng chung cùng một lộ trình với các nhóm đối tượng lao động rất khác nhau trong thị trường lao động rất đa dạng hiện nay là chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh, trình độ phát triển của ngành và nghề lao động Việt Nam. Nên sẽ có tác động khác nhau và có thể gây ra sự phức tạp, hệ lụy cần phải được cơ quan soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng, cẩn trọng, nhất là trong bối cảnh chưa tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận người lao động.

Đối với phương án hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy bảo đảm tính linh hoạt, không quy định một lộ trình chung cho tất cả nhóm đối tượng lao động có đặc điểm ngành nghề, điều kiện, môi trường làm việc rất khác nhau... mà phải tùy vào từng nhóm lao động cụ thể để Chính phủ có thời gian khảo sát, đánh giá kỹ, có bước đi điều chỉnh nâng tuổi nghỉ hưu phù hợp, không nhất thiết phải giống nhau giữa các nhóm lao động rất đa dạng. Tuy nhiên, phương án này chỉ ghi chung về tuổi nghỉ hưu là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, chưa xác định thời gian hoàn thành mà giao Chính phủ quy định.

Thảo luận tại phiên họp về Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn, đề nghị quy định cụ thể các ngành nghề được nghỉ hưu sớm để đảm bảo sức khỏe của người lao động.

Góp ý vấn đề tuổi nghỉ hưu, ông Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, tán thành phương án một. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần chú ý trong công tác tuyên truyền, để người dân rõ được thế nào việc tăng tuổi hưu thực hiện đối với người lao động trong từng nghề cụ thể. 

Tại phiên họp, đa số các đại biểu nhất trí việc trình Quốc hội lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, nhưng một số thành viên Ủy ban lưu ý đây là vấn đề phức tạp và ở các nước khi đặt ra vấn đề này cũng thường tranh luận, phản ứng của người lao động. Do đó, cần làm tốt công tác truyền thông để người lao động hiểu rõ về quyền và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động để họ biết được bản thân mình, ngành mình sẽ nghỉ hưu như thế nào và kèm theo đó là những quyền lợi gì. Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, nên ban hành danh mục nghề, ngành, tính chất công việc, đặc biệt lao động độc hại, nặng nhọc nên nghỉ hưu sớm; không nhất thiết phải có lộ trình như nhau đối với các nhóm lao động khác nhau./.

T.D