Trong 9 tháng, CPI cả nước tăng 3,16%, dự báo CPI năm 2023 ở mức 4,5%

11:16 12/10/2023

Theo đại diện các bộ, ngành, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5% là có thể đạt được, thậm chí có thể ở mức thấp hơn. Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm vẫn cần các giải pháp điều hành đồng bộ và hiệu quả, đảm bảo nguồn cung thị trường.

Sáng ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đặc biệt lưu ý công tác điều hành giá một số hàng hóa thiết yếu, như: giá xăng dầu, giá điện, giá lúa gạo..., điều hành theo lộ trình giá các hàng hóa do nhà nước quản lý để kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng qua, tình hình giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát và theo xu hướng giảm dần. Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Đạt được kết quả trên do Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Theo đó, để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách của năm 2023, Bộ Tài chính đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí, lệ phi và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023. Tổng giá trị hỗ trợ dự kiến khoảng 196 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã 4 lần liên tục điều chỉnh giảm lãi suất chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô được triển khai đồng bộ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, không nên chủ quan trong điều hành vì từ nay đến cuối năm vẫn còn một số yếu tố tác động lên mặt bằng giá. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể trước mỗi quyết định điều chỉnh để không ảnh hưởng tới mục tiêu điều hành CPI trong năm 2023.

Hai kịch bản điều hành giá

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát.

Kịch bản 1, với giả thiết quý 4/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 10%, giá gas tăng 7%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4%, giả diện sinh hoạt tăng 3%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 9%, gia dịch vụ y tế tăng 2,5%, giá dịch vụ giao dục tăng 8%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.

Kịch bản 2, giả thiết quý 4/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 20%, giá gas tăng 15%, giả lương thực, thực phẩm tăng 4,5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 10%, giá dịch vụ y tế tăng 4,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 9%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.

Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2 - 3,6%. Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,3%-3,6%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4% ( +/- 0,3%).

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, các cơ quan cơ bản thống nhất vẫn còn dư địa để điều hành giá trong năm 2023. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý có khả năng tác động đến CPI năm 2023, điều này còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành. Trường hợp điều chỉnh vào tháng cuối năm thì tác động đến CPI bình quân năm 2023 dự kiến không quá lớn nhưng sẽ tác động trễ sang năm 2024.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương các bộ, ngành đã chủ động vào cuộc, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá trong kiểm soát lạm phát. Chỉ số CPI tăng 3,19 trong 9 tháng qua là thành công về trong điều hành giá.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt , kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác; điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Trong điều kiện vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4,5%, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động đối với bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo lộ trình, thời điểm, mức độ điều chỉnh phù hợp./.

H.M (t/h)