Trình loạt kiến nghị để "cứu" doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm

16:31 17/05/2023

Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc tạm ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho biết, những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng mạnh. Riêng về gia cầm, từ 342 triệu con năm 2015 đã tăng lên 533 triệu con vào năm 2022 (tăng 1,5 lần); sản lượng thịt từ 700.000 tấn đã tăng lên 2,87 lần (đạt gần 2 triệu tấn). Đến nay, sản lượng thịt và trứng gia cầm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ cho 100 triệu dân trong nước, mà đã bước đầu xuất khẩu chính ngạch, trong khi trước đây chúng ta chưa làm được.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn đang có những mảng tối, cần phải kịp thời hóa giải. Đó là tỷ suất lợi nhuận trong sản xuất gia cầm đang giảm dần, trong khi tăng trưởng nhập khẩu thịt ngoại lại cao hơn tăng trưởng sản xuất trong nước. Cuộc cạnh tranh khốc liệt của thịt sản xuất trong nước với thịt nhập khẩu giá rẻ, thị trường tiêu thụ rất bấp bênh (tiêu thụ nội địa vẫn là chủ đạo), sản phẩm chế biến, nhất là chế biến sâu chưa nhiều. Dịch bệnh chăn nuôi vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở khu vực nông hộ, nên rủi ro cao. Do đó, tuy tăng trưởng nhưng ngành chăn nuôi của chúng ta đang rất rủi ro, kém bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam.

Đáng lo nhất là gần đây, các DN chăn nuôi nội đang lép vế trước các DN chăn nuôi FDI, nên người nông dân sản xuất, DN chăn nuôi nhỏ đang bị loại dần khỏi cuộc chơi, dẫn đến thực tế số lượng nông hộ chăn nuôi giảm mạnh do thua lỗ trong thời gian qua, trong khi các DN chăn nuôi FDI vẫn đang mở rộng chăn nuôi tại Việt Nam. Đến nay, các DN chăn nuôi FDI đã chiếm áp đảo về sản lượng heo thịt, gà thịt xuất chuồng tại thị trường Việt Nam.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) vừa gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 7 bộ liên quan về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi gia cầm.

Kiến nghị nêu rõ, do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của dịch Covd-19, chi phí vật tư đầu vào tăng cao kỷ lục, thị trường tiêu thụ bất ổn và giá sản phẩm đầu ra xuống sâu (có thời điểm giá bán một số sản phẩm gia cầm chỉ bằng 2/3 giá thành sản xuất), khiến ngành gia cầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia cầm đang có nguy cơ phá sản; hàng ngàn cơ sở chăn nuôi gà, vịt phải giảm quy mô sản xuất, hoặc phải tạm ngừng hoạt động do thua lỗ kéo dài.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gia cầm, VIPA kiến nghị xem xét một số nhóm giải pháp cấp bách và lâu dài sau. Cụ thể, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát tình trạng nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của VIPA, mỗi tháng có hàng chục ngàn tấn gà sống đẻ thải loại được nhập lậu qua biên giới vào nước ta. Đây là nguyên nhân gia tăng nguy cơ dịch bệnh với ngành gia cầm trong nước.

Rất nhiều phụ phẩm chăn nuôi có giá rất rẻ như chân, đầu, cổ, cánh, da, lòng mề gia cầm, đặc biệt gà đẻ loại thải đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân và nội tạng vẫn được nhập khẩu với khối lượng rất lớn. Nếu tình trạng này không được kiểm soát thì không những sản xuất gia cầm trong nước ngày càng khó khăn hơn mà còn có thể gây hậu quả cho sức khỏe của người tiêu dùng nước ta.

VIPA cũng kiến nghị tăng cường các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm để bảo vệ sản xuất trong nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
Ảnh minh họa.

Có thể nói, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định kỹ thuật về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ. VIPA dẫn chứng, kể từ năm 2014, việc sử dụng Ractopamine, Cysteamine làm chất kích thích sinh trưởng, tạo nạc cho vật nuôi đã bị cấm tại 160 quốc gia trên thế giới kể cả ở nước ta (vì nguy có gây ung thư cho người sử dụng). Tuy nhiên, nghịch lý là hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn, bò và gà từ một số quốc gia được phép sử dụng hai chất nêu trên cho gia súc, gia cầm.

Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, các doanh nghiệp Việt Nam phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt từ các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay tại thị trường trong nước.

Do vậy, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp và  người chăn nuôi trong nước, đặc biệt là không tạo ra nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, VIPA kiến nghị Chính phủ kịp thời ban hành văn bản cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụngchất kích thích sinh trưởng Ractopamine, Cysteamine.

Đồng thời, kiến nghị Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành liên quan cần triển khai ngay các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và sức khỏe người tiêu dùng nước ta. Theo đó, sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm hạn chế tình trạng nhập siêu gia cầm, sản phẩm gia cầm như thời gian vừa qua.

P.V (t/h)