TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022

23:55 04/04/2022

Ngày 4-4, Sở Công thương TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022 - Tết Quý Mão 2023 trên địa bàn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo Sở Công thương thành phố, trong các tháng trong năm, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 33% nhu cầu thị trường. Tháng tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường. Những tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid-19, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35% đến 50% nhu cầu thị trường.

Ngoài lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học có 11 doanh nghiệp tham gia, tăng 1 doanh nghiệp so năm 2021; lượng hàng cung ứng chiếm 35% đến 50% nhu cầu thị trường. Các mặt hàng sữa có 7 doanh nghiệp tham gia, tăng 4 doanh nghiệp. Trong đó, có 3 doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sữa chiếm thị phần cao tại Việt Nam (Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood). Mặt hàng dược phẩm có 8 doanh nghiệp tham gia chương trình với 19 nhóm thuốc, chủ yếu là các loại dược phẩm dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho-hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm…

Mặt hàng phục vụ người dân phòng, chống dịch Covid-19 có 4 doanh nghiệp tham gia chương trình với 2 nhóm hàng là khẩu trang các loại (trừ khẩu trang chuyên dụng y tế), nước rửa tay sát khuẩn (nhiều quy cách). Điểm mới của chương trình năm nay là chia rõ 3 nhóm đối tượng tham gia thông qua 3 hình thức gồm cung ứng, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng. Việc phân chia để phân biệt rõ từng đối tượng, từ đó có chính sách hỗ trợ, yêu cầu nghĩa vụ cụ thể, sát thực tế. Trong đó, doanh nghiệp cung ứng tập trung đảm bảo về hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ, đầu tư nhà xưởng, phát triển vùng nguyên liệu… Doanh nghiệp phân phối tập trung đảm bảo về mạng lưới điểm bán và tổ chức điểm bán hàng bình ổn thị trường; đầu tư phát triển hệ thống kho bãi, logistics…

Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, bên cạnh việc tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung trọng tâm như kết nối cung-cầu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, sơ chế tại nguồn đối với hàng nông sản thực phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện nâng cao năng lực sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp… năm nay, trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trong các tình huống, kịch bản, nhiệm vụ trọng tâm là phải đảm bảo nguồn cung, đảm bảo lưu thông hàng hóa, tiết giảm chi phí trung gian, vận hành hiệu quả hoạt động hệ thống phân phối.

D.H