Thành phố Thủ Đức phát triển hạ tầng, kết nối kinh tế vùng

19:20 11/05/2021

Thành phố Thủ Đức có vị trí thuận lợi, nằm ngay cửa ngõ phía Đông, kết nối với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với định hướng phát triển không thể tách rời với các đô thị lân cận như: Biên Hòa, Bình Dương, Dĩ An, Long Thành, Nhơn Trạch…v.v. Nơi đây được xác định là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao với nhiều trung tâm chức năng được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phát huy nội tại của Khu đô thị tương tác cao

Theo đề án phê duyệt của Chính phủ, trọng tâm phát triển TP Thủ Đức là cần sớm đồng bộ các khu chức năng như: trung tâm tài chính, khu công nghệ cao, làng đại học, trung tâm thể dục thể thao, khu sinh thái, trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai...

Để phát huy lợi thế sẵn có hiện nay thì việc kết nối giao thông đồng bộ giữa TP Thủ Đức với các vùng lân cận là cần thiết. Phát triển kinh tế vùng thì điều tiên quyết là các công trình giao thông còn dở dang, chưa hoàn thành cần sớm được thực hiện dứt điểm. Cần khai thông nguồn vốn, tạo đà cho việc đầu tư hạ tầng giao thông để không còn nút thắt. 

Nút giao thông Mỹ Thủy đang dần hoàn thiện
Nút giao thông Mỹ Thủy đang dần hoàn thiện.

Công ty Sasaki – đơn vị đạt giải nhất cuộc thi ý tưởng Quy hoạch Thành phố Thủ Đức cho rằng: TP.HCM cần đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối quy mô lớn với khu trung tâm hiện hữu và hướng đến liên kết vùng phù hợp với chiến lược triển khai và mở rộng đô thị trong tương lai. Hạ tầng giao thông TP Thủ Đức cần phải có những nền tảng đột phá về quy hoạch tổng thể, từ đó hình thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. 

Toàn cảnh tuyến Metro số 1
Toàn cảnh tuyến Metro số 1.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu Đông

Từ năm 2010 đến nay, khu Đông TP.HCM luôn là nơi được tập trung đầu tư các công trình giao thông lớn. Nguồn vốn 350.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông ở TP.HCM thì có đến 70% tập trung vào khu vực TP Thủ Đức. Điều này cho thấy, sự quan tâm rất lớn của Chính phủ, các Bộ, Ngành cũng như Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh đối với khu đô thị thông minh.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhu cầu vốn của TP.HCM đầu tư hạ tầng giao thông cần tới 852.500 tỉ đồng, mà phần lớn sẽ tiếp tục đầu tư vào khu Đông thành phố như: cao tốc TP.HCM – Long Thành, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường vành đai 3, cầu Cát Lái….v.v. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên dài 19,7km sắp hoàn thành cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân cũng như thu hút đầu tư vào TP Thủ Đức. 

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành.Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (đoạn 4km đầu) bắt đầu tại điểm giao cắt với Đại lộ Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) chạy về hướng đông 4 km và cắt với đường Vành đai II tại nút giao lớn cũng sẽ sớm được hoàn thiện. Đây là con đường huyết mạch chạy về hướng đông đông nam, giao cắt với Quốc lộ 51 (AH17) tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường này kết nối, tạo nên sự giao thoa kinh tế giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Mới đây, đơn vị khảo sát thuộc Bộ GTVT đã kiến nghị mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành lên tới 8 làn xe vào năm 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 9.800 tỷ đồng. Theo Sở GTVT, từ nay đến 2022, hạ tầng giao thông phía Đông TP.HCM sẽ tiếp tục được triển khai nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường như: Đỗ Xuân Hợp, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai với lòng đường mở rộng tối đa đến 60m. Đường Nguyễn Duy Trinh chạy từ quận 2 sang quận 9 (cũ) cũng được nâng cấp cao hơn, đảm bảo phương tiện đi lại thông suốt giữa khu vực ngã tư Mai Chí Thọ và Đồng Văn Cống… 

Tuyến đường huyết mạch (xa lộ Hà Nội) nối giữa TP Hồ Chí Minh với TP Thủ Đức
Tuyến đường huyết mạch (xa lộ Hà Nội) nối giữa TP Hồ Chí Minh với TP Thủ Đức.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2021 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 của thành phố, “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Sở Giao thông Vận tải cần đẩy mạnh 10 nhiệm vụ trọng tâm về chương trình công tác cải cách hành chính; phân công, phân nhiệm và thời gian hoàn thành các chương trình, đề án nhánh thuộc 4 chương trình đột phá phát triển thành phố. Sở GTVT phải giải quyết được tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông trên địa bàn, bởi việc này có thể kìm hãm phát triển kinh tế.  Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu Sở GTVT phải phát huy mạnh mẽ vai trò tổ trưởng tổ điều phối giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối 8 trung tâm chức năng của thành phố Thủ Đức gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất Việt Nam; Trung tâm công nghệ sinh thái - Khu vực Tam Đa và Đại học Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng Container Cát Lái; Khu đô thị cảng Trường Thọ - đô thị tương lai…

Với quyết tâm cao của Chính quyền TP.HCM trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông tại khu đông, hy vọng trong tương lai không xa, Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân kết nối kinh tế khu vực Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Lê Thanh Đào