TP HCM: Xây dựng đề án trung tâm tài chính quốc tế và phát triển thành trung tâm logistics

11:50 25/02/2022

Hôm nay 25-2, TP HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến về “Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế”. Trong khuôn khổ hội thảo, các khách mời thảo luận về mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM, cơ chế chính sách phát triển trung tâm tài chính quốc tế và chương trình hành động. Theo đó,Trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM sẽ cung cấp dòng vốn hỗ trợ hoạt động logistics, hướng đến phát triển TP HCM thành trung tâm logistics của khu vực và quốc tế.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC), cho biết trung tâm này ra đời sẽ giúp giải quyết nhiều nhóm vấn đề lớn. Để tạo cú hích cho thị trường tiền tệ và ngân hàng; kích hoạt dòng vốn dài hạn thông qua thị trường vốn; tạo môi trường cho công nghệ tài chính (Fintech), thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử... phát triển. Mặt khác, bản thân HFIC cũng sẽ rộng đường huy động vốn hơn để thực hiện tốt các nhiệm vụ được thành phố giao.

Ông Hòa cũng cho rằng việc nhanh chóng triển khai đề án Phát triển  trên địa bàn TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa trong tiến trình phục hồi kinh tế thành phố. Theo ông, sự đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 không chỉ bộc lộ ở hệ thống giao nhận trong thời gian giãn cách xã hội mà cả ở khâu hậu cần logistics, nhất là thiếu hụt trầm trọng kho lạnh và kho mát.

Theo các chuyên gia kinh tế, để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM, cần xác định mô hình này có gì khác so với những trung tâm tài chính được triển khai ở nơi khác hoặc có điểm vượt trội nào so với những trung tâm tài chính đang hoạt động trên thế giới.

TS Lê Đạt Chí đề xuất một hướng tiếp cận để TP HCM có thể triển khai bài toán xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là xác định logistics trở thành lĩnh vực "hấp thụ" dòng vốn đầu tư. Cụ thể, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là cụm cảng nước sâu quy mô lớn nhất và có lợi thế nhất cả nước, là cửa ngõ tiếp cận hàng hóa vào TP HCM và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Yếu tố này thuận lợi cho việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế gắn với đầu ra của dòng vốn là hướng vào hoạt động logistics.

 

TP HCM sẽ phát triển trung tâm tài chính và trung tâm logistic ngang tầm khu vực
TP HCM sẽ phát triển trung tâm tài chính và trung tâm logistic ngang tầm khu vực. (Ảnh: PV)

TS Lê Đạt Chí cho rằng, để phát triển đề án thành công, TP HCM cần xác định thu hút dòng vốn quốc tế vào lĩnh vực nào khả thi nhất. Ngoài ra, nếu muốn kéo dòng vốn quốc tế vào triển khai trung tâm tài chính thì thị trường cổ phiếu, trái phiếu phải thật sự phát triển. Nếu cải thiện được, thị trường chứng khoán sẽ giúp nâng hạng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết định hướng phát triển, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin cần được xem là xu hướng tất yếu, ưu tiên của ngành logistics trong giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, 2 nhiệm vụ chiến lược cần thực hiện là tập trung phát triển logistics cho ngành thương mại điện tử và cung cấp chuỗi dịch vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu với thị trường châu Á và trung chuyển ra cụm cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ.

Hiện TP HCM đã ban hành đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Theo đề án, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TP HCM là khoảng 95.800 tỉ đồng.

Quang Đạo (T/h)