Đồng Nai: Nhiều lợi thế phát triển trở thành trung tâm logistics miền Nam

19:15 13/02/2022

Theo quy hoạch xây dựng của tỉnh Đồng Nai thì huyện Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch và một phần TP. Biên Hoà sẽ trở thành trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu và logistics của phía Nam, bởi đây là những khu vực hội tụ nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Lợi thế thứ nhất có thể kể đến là hệ thống các khu công nghiệp lớn của Đồng Nai. Hiện toàn tỉnh đã có 31 khu công nghiệp đã vào hoạt động và đang tiếp tục mở rộng thêm nhiều khu công nghiệp khác. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP. Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Long Thành và Nhơn Trạch. Do đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn và là thị trường đầy tiềm năng cho hệ thống cảng, dịch vụ vận tải hàng hóa, logistics của Đồng Nai.

Tiếp đến là lợi thế về hệ thống cảng biển và cảng hàng không. Trong đó, đáng nhắc đến là cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang được triển khai, trong giai đoạn 1, sân bay này có công suất tiếp nhận 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng.

Nhờ có lợi thế nằm trong vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như gần các cảng biển khi hoàn thành sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hoá của khu vực. Chưa kể, mô hình “thành phố sân bay” với nhiều dịch vụ tiện ích, nhất là chuỗi cung ứng logistics về hàng không, đang được tỉnh nghiên cứu kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Bên cạnh đó, cảng Phước An cũng đang được xây dựng khi đi vào hoạt động sẽ là khu bến chính của cảng Đồng Nai, tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng lên đến 50-60.000 tấn và khu công nghiệp dịch vụ hậu cần Cảng Phước An quy mô gần 550 ha với đầy đủ các dịch vụ: Kho hàng hóa, bến sà lan, ga tàu trung chuyển… sẽ là trợ lực cho ngành dịch vụ cảng.

Ngoài ra, trong khu vực này còn có cảng Gò Dầu và cảng Cái Mép - Thị Vải. So với các địa phương khác trong tỉnh và các tỉnh lân cận, vùng tam giác Long Thành- Nhơn Trạch - Biên Hòa có hệ thống đường giao thông vô cùng thuận lợi.     

Lợi thế thứ 3 là hạ tầng giao thông, nhiều tuyến đường giao thông lớn đi qua như đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 1, quốc lộ 51, quốc lộ 20, đường sắt Bắc Nam. Tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/ hằng năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%...

Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Bá Chí Nhân, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, hạ tầng giao thông đang đóng vai trò quan trong trong việc phát triển ngành logistics của vùng. Trong đó, các dự án giao thông như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã đi vào hoạt động, cao tốc Bến Lức - Long Thành phía Nam thi công gần xong, cao Biên Hòa - Vũng Tàu đang làm các thủ tục triển khai, đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh liên vùng là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đang thi công, đường liên cảng liên cảng Phước An - Cái Mép và cầu cảng Cát Lái dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là những tuyến đường huyết mạch, có vai trò đặc biệt quan trọng trong liên kết và phát triển kinh tế- xã hội của cả vùng.

"Ngoài ra, tiềm năng của khu vực này còn được cộng hưởng từ hơn 20 khu công nghiệp trên địa bàn trên địa bàn các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP. Biên Hòa. So với việc vận chuyển hàng hóa đi nơi khác để xuất khẩu, quãng đường đến sân bay Long Thành hay cảng biển Phước An là ngắn nhất, giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí vận chuyển. Đây là lợi thế quan trọng để Đồng Nai phát triển ngành logistics", TS. Lê Bá Chí Nhân nhìn nhận.

Diệu Hồng