TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam đang thiếu các khu công nghiệp xanh Thái Nguyên hợp tác với Vingroup thúc đẩy chuyển đổi xanh và số |
Kỳ vọng vào việc trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư xanh toàn cầu, Việt Nam đang thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp xanh (KCN) như một hướng đi tất yếu, gắn với mục tiêu Net-Zero đến năm 2050. Tại Hội thảo quốc gia “Thúc đẩy tài chính xanh hướng tới mục tiêu Net-Zero của Việt Nam”, ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) - nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang tăng trưởng xanh, Việt Nam cần đón đầu cơ hội này để định hình lại chiến lược phát triển các KCN.
![]() |
Ông Trương Gia Bảo - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) |
Ông Trương Gia Bảo cho biết, cả nước có 435 KCN, dự kiến tăng lên 1.000 vào giai đoạn 2025-2030 và vượt mốc 3.000 sau năm 2030. Trong số này, khoảng 298 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 70-85% tuỳ vùng, đóng góp khoảng 50% kim ngạch xuất nhập khẩu, tạo 4 triệu việc làm. Tuy nhiên, tỷ lệ vốn FDI xanh vẫn chỉ chiếm 10-15% và chưa có thống kê cụ thể, cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn.
“Các doanh nghiệp tại KCN – đặc biệt là trong ngành dệt may, da giày, điện tử, nông nghiệp, hoá chất – đang chịu áp lực ngày càng lớn từ các tiêu chuẩn quốc tế về phát thải, thuế carbon và yêu cầu minh bạch hoá chuỗi cung ứng. Quan điểm Net-Zero được hiểu là sự cân bằng khí nhà kính, nghĩa là lượng khí thải phát sinh phải được hấp thụ hoặc bù đắp bằng các nguồn tái tạo, tái chế, hoặc công nghệ thu giữ carbon (CCS)”, ông Bảo chia sẻ.
Hiện trên thế giới, các mô hình KCN sinh thái, KCN thông minh phát triển mạnh mẽ nhằm đạt được mục tiêu này. Các khu công nghiệp tương lai cần đồng thời là trung tâm sản xuất và những cỗ máy môi trường – nơi sử dụng điện mặt trời, điện gió, tích hợp công nghệ xanh, tái sử dụng chất thải (ít nhất 25%) và tối ưu vận hành thông qua AI, IoT, tự động hoá và robot.
Hạ tầng xanh, nhân lực xanh, mô hình xanh
Phát triển hạ tầng là trọng tâm. Các KCN xanh cần hệ thống hạ tầng đồng bộ thân thiện với môi trường như nhà máy xử lý nước thải hiện đại, mạng lưới thu hồi CO2, đồng phát điện bằng sinh khối hoặc khí sinh học. Nhà máy thông minh kết hợp robot và AI sẽ giúp tối ưu quy trình, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả.
![]() |
Phát triển khu công nghiệp xanh đón dòng vốn đầu tư xanh toàn cầu. |
Bên cạnh hạ tầng, nhân lực cũng là trụ cột. Ông Trương Gia Bảo cho rằng các KCN cần coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực không chỉ có tay nghề mà còn ý thức cao về môi trường. Chăm lo phúc lợi toàn diện cho người lao động, bao gồm điều kiện làm việc xanh, môi trường sống lành mạnh, được xem là một phần của chiến lược phát triển bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là yếu tố nền tảng. Việc khuyến khích thành lập các doanh nghiệp tái chế và cơ sở phân loại chất thải ngay trong KCN là bước đi chiến lược. Mạng lưới tái chế không chỉ giảm thiểu chất thải mà còn tái tạo nguyên liệu, tiết kiệm tài nguyên, đồng thời giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế.
Thu hút vốn xanh, gỡ rào cản chính sách
Theo ông Trương Gia Bảo, chi phí đầu tư ban đầu là rào cản lớn nhất khi phát triển KCN xanh. Trung bình, một khu công nghiệp theo tiêu chuẩn xanh cần tới hàng trăm triệu USD cho hạ tầng, công nghệ và vận hành. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước thường hạn chế về vốn và khả năng tiếp cận tài chính xanh.
Cũng theo ông Bảo, để giải quyết vấn đề này, cần đa dạng hoá nguồn vốn, bao gồm quỹ đầu tư xanh, tài chính bền vững, hợp tác công - tư (PPP), và đặc biệt là thu hút FDI xanh. Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi rõ ràng như miễn/giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, cấp đất ưu tiên cho các dự án đạt chuẩn môi trường.
Ông Trương Gia Bảo khẳn định, một rào cản khác là nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp xanh còn thiếu, khi phần lớn lao động hiện nay được đào tạo theo mô hình công nghiệp truyền thống. Do đó, việc tái cấu trúc đào tạo nghề, bổ sung kỹ năng về môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh là cấp thiết.
Khung pháp lý cũng cần cải thiện mạnh. Dù Việt Nam đã có chiến lược tăng trưởng xanh và cam kết Net-Zero, nhưng hệ thống luật, tiêu chuẩn và quy định cụ thể để triển khai còn thiếu đồng bộ. Điều này khiến các chủ đầu tư KCN gặp khó khi lập quy hoạch, thiết kế và vận hành theo hướng bền vững.
Giải pháp đặt ra bao gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao nhận thức và cam kết từ cả phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Đồng thời, cần ban hành tiêu chuẩn quốc gia về KCN xanh, danh mục phân loại dự án xanh, triển khai đồng bộ các hướng dẫn và tiêu chí đánh giá, công bố thông tin minh bạch về phát thải và tác động môi trường.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lịch sử để chuyển dịch từ một nước công nghiệp phụ thuộc vào lao động giá rẻ sang một quốc gia công nghiệp xanh, hiện đại và có trách nhiệm. Các khu công nghiệp xanh sẽ là mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững, vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa bảo vệ môi trường và tạo sinh kế chất lượng cho người dân.