Thái Nguyên: Tín dụng bứt phá, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên Qũy nhà ở từ 5.000 tỷ đồng và tầm nhìn mới về nhà ở, ai sẽ hưởng lợi? |
Ngày 24/7/2025, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tập đoàn CEO họp Hội đồng tư vấn và thực hiện đề tài khoa học: "Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền ở Việt Nam: Thực trạng và đề xuất chính sách, pháp luật".
Chia sẻ về tầm nhìn phát triển nhà ở tại Việt Nam, đặc biệt vai trò của nhà nước trong việc định hình lại thị trường, bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - nhấn mạnh: Định hướng ưu tiên phát triển nhà ở xã hội cho thuê ổn định. Đây được xem là một giải pháp căn cơ nhằm giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho những người thu nhập thấp, hạn chế tình trạng đầu cơ và biến động giá.
Theo bà Hạnh, khi phân khúc nhà ở xã hội cho thuê được đẩy mạnh và trở nên phổ biến, nó sẽ dần thay thế sự cần thiết của nhà ở xã hội cho thuê mua hay nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, vốn dễ bị tác động bởi các yếu tố thị trường. Sự ổn định của nhà ở cho thuê không chỉ mang lại an sinh xã hội mà còn giúp thị trường bất động sản vận hành một cách lành mạnh hơn.
![]() |
Bà Tống Thị Hạnh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) |
Điều này cho thấy sự cấp thiết của việc nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Bà mong muốn nhóm nghiên cứu sẽ đào sâu hơn, mở rộng phạm vi nghiên cứu và đặc biệt là chắt lọc những chính sách quốc tế phù hợp với việc phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền tại Việt Nam.
Theo quan điểm của Cục trưởng Tống Thị Hạnh, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền không thể thiếu sự can thiệp của Nhà nước. Bà dẫn chứng, trong đề án quy hoạch chung mới đây, Nhà nước đã xác định rõ những khu vực phù hợp để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ. Điều này cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự chủ động của cơ quan quản lý trong việc tạo lập quỹ đất, định hình các khu đô thị có giá trị nhà ở phải chăng.
Với các công cụ quản lý nhà nước như quy hoạch và kế hoạch, bà Hạnh tin tưởng Nhà nước sẽ kiểm soát được chặt chẽ cả về quy hoạch, tiến độ dự án và đặc biệt là giá bán. Trong đó, giá bán không chỉ đơn thuần là giá thành cuối cùng mà còn bao gồm các yếu tố cấu thành như giá vật liệu xây dựng, giá nhân công… Việc kiểm soát các yếu tố đầu vào này sẽ giúp đảm bảo giá nhà ở thương mại vừa túi tiền thực sự hợp lý, tránh tình trạng đội giá không minh bạch.
Mục tiêu cuối cùng của sự can thiệp này, theo bà Hạnh là phải kiểm soát được toàn bộ thị trường bất động sản, chứ không chỉ dừng lại ở việc khống chế giá bán trên thị trường sơ cấp (thị trường mua bán lần đầu từ chủ đầu tư). Thị trường thứ cấp (thị trường mua đi bán lại) cũng cần được lưu ý và có sự kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh chính sách quy hoạch và giá bán, bà Hạnh cũng đề cập đến một yếu tố quan trọng khác: Đối tượng thụ hưởng loại nhà ở này. Việc xác định rõ và hỗ trợ đúng đối tượng có nhu cầu thực sự là cực kỳ quan trọng để đảm bảo chính sách phát huy hiệu quả, tránh bị lợi dụng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng tiêu chí, quy trình xét duyệt công bằng, minh bạch.
Cuối cùng, Cục trưởng Tống Thị Hạnh bày tỏ mong muốn nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục sâu chuỗi các vấn đề, từ đó đề xuất được những giải pháp có tính khả thi cao. Những giải pháp này không chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết mà phải có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, góp phần kiểm soát tốt thị trường bất động sản, mang lại những giá trị thiết thực cho xã hội.
Những chia sẻ của bà Tống Thị Hạnh không chỉ là định hướng chính sách mà còn là lời khẳng định về vai trò không thể thiếu của Nhà nước trong việc kiến tạo một thị trường bất động sản lành mạnh, công bằng, nơi mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận một mái ấm ổn định và vừa túi tiền.