Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đất của người dân đã có quyền sử dụng thì họ có quyền xây dựng. Khi quy hoạch chi tiết đã rõ ràng – về chiều cao công trình, mật độ xây dựng, tỷ lệ cây xanh, khoảng lùi, khoảng cách giữa các công trình và vỉa hè – thì không cần thiết phải tiếp tục yêu cầu người dân xin giấy phép xây dựng”.
![]() |
Đồng Nai nghiên cứu thí điểm miễn cấp phép xây dựng. Ảnh minh họa |
Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Đồng Nai đang thể hiện quyết tâm trở thành địa phương đi đầu trong thực hiện cải cách hành chính lĩnh vực xây dựng. Theo đó, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất phương án thí điểm miễn giấy phép xây dựng tại một số khu vực đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt.
Theo Luật Xây dựng hiện hành, việc cấp phép xây dựng là bắt buộc đối với các công trình trong đô thị – từ nhà ở riêng lẻ đến các dự án bất động sản, khu công nghiệp. Tuy nhiên, với các khu vực nông thôn không nằm trong quy hoạch phát triển đô thị thì hoạt động xây dựng không cần xin phép, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Ông Khương Nguyễn Đức Chương – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Đồng Nai – bày tỏ sự đồng thuận với hướng đi của tỉnh. “Nếu quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, tức là đã có cơ sở pháp lý rõ ràng để kiểm soát kiến trúc, cảnh quan đô thị, thì việc yêu cầu giấy phép xây dựng là không cần thiết. Miễn giấy phép trong trường hợp này là hợp lý và phù hợp với xu thế hiện đại hóa công tác quản lý đô thị”, ông Chương nhận định.
Nếu đề án thí điểm của Đồng Nai được thực hiện thành công, đây sẽ là tiền đề để nhân rộng ra các đô thị khác. Quan trọng hơn, nó mở đường cho một mô hình quản lý đô thị hiện đại, trong đó giấy phép xây dựng không còn là rào cản mà thay vào đó, các quy hoạch chi tiết trở thành công cụ điều tiết không gian đô thị một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, để việc miễn giấy phép xây dựng thực sự phát huy hiệu quả, các địa phương cần đồng bộ hóa hệ thống quy hoạch chi tiết, xây dựng cơ sở dữ liệu số về quy hoạch, tăng cường năng lực giám sát và xử lý vi phạm sau xây dựng. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn để đảm bảo người dân được xây dựng hợp pháp, đúng quy chuẩn, không phá vỡ cảnh quan hoặc gây ảnh hưởng đến cộng đồng.