Các doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW mở ra cơ hội thay đổi toàn diện cơ chế định giá. Nếu được triển khai đồng bộ và minh bạch, đây sẽ là cú hích cải tổ toàn diện cơ chế định giá đất trong thời gian tới. Điểm sáng đáng chú ý là Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai. Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp nâng cao khả năng định giá chính xác cho tất cả các cấu phần tham gia thị trường. |
Nhiều ý kiến từ đại diện doanh nghiệp hội viên và các hiệp hội bất động sản địa phương bày tỏ sự lạc quan, đồng thời đặt kỳ vọng lớn vào Nghị quyết 68-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân. Bởi Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân xuất hiện như một nền tảng thể chế có khả năng định hình lại toàn bộ cách thức vận hành thị trường bất động sản trong tương lai.
![]() |
Ông Phạm Lâm – Trưởng Văn phòng đại diện VNREA khu vực phía Nam |
Ông Phạm Lâm – Trưởng Văn phòng đại diện VNREA khu vực phía Nam đánh giá, Nghị quyết 68 là một bước ngoặt mang tính chiến lược, tạo tiền đề cho tư duy kiến tạo và mở ra cơ hội để doanh nghiệp bất động sản chủ động, sáng tạo hơn trong giai đoạn phát triển mới.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kế – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk nhấn mạnh, hàng loạt chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 68, đang mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế tư nhân, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tái định vị vai trò trong hệ sinh thái kinh tế quốc gia.
![]() |
ông Nguyễn Văn Kế – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk |
Ông Kế cho rằng, doanh nghiệp phải là chủ thể trong quá trình phát triển, không chỉ thụ hưởng chính sách mà cần tham gia sâu vào quá trình kiến tạo tăng trưởng. Ông kỳ vọng các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường sẽ sớm được triển khai nhằm tạo động lực phát triển bền vững.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nhận thức rõ ràng rằng cơ hội luôn đi kèm thách thức. Nếu thị trường bất động sản tăng trưởng thiếu kiểm soát, không bám sát nhu cầu thực tế, nguy cơ dư thừa nguồn cung và phát triển lệch pha hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo ông Kế, cần có chiến lược phát triển rõ ràng và phù hợp với từng địa phương, dựa trên quy hoạch tổng thể, quy mô dân số, hạ tầng và nhu cầu thực của người dân. Bên cạnh đó, ông Phạm Lâm cũng chỉ ra rằng, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính đang gây ra những vướng mắc pháp lý tại một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng và làm chậm nguồn cung ra thị trường.
Để tháo gỡ điểm nghẽn, ông Lâm đề xuất thành lập tổ công tác chuyên trách tại từng địa phương, nhằm xử lý dứt điểm các dự án tồn đọng, góp phần phục hồi kinh tế địa phương và bổ sung kịp thời nguồn cung thị trường.
Lấy thị trường phía Nam làm ví dụ, ông Lâm cho biết, dù còn nhiều khó khăn, nhưng khu vực này đang ghi nhận sự khởi sắc khi một số dự án lớn với pháp lý hoàn chỉnh đã bắt đầu mở bán. Tuy nhiên, ông lưu ý, điều thị trường cần không chỉ là sự phục hồi nhất thời mà là một quá trình phát triển minh bạch, bền vững và có chiều sâu.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đỗ Viết Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực VNREA – cho biết, năm qua, thị trường bất động sản vẫn đối mặt nhiều khó khăn do tác động chung từ nền kinh tế. Nhiều dự án bị đình trệ, trong đó có các dự án nhà ở xã hội triển khai chậm hoặc bị gián đoạn.
![]() |
Ông Đỗ Viết Chiến – Phó Chủ tịch Thường trực VNREA |
Đặc biệt, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên toàn quốc chỉ đạt gần 2% sau 20 năm, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Cùng với đó, tình trạng thổi giá bất động sản qua đấu giá đất, tăng giá nhà ở bất hợp lý đang ảnh hưởng tiêu cực đến tính minh bạch của thị trường.
Dù nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, thực tế triển khai vẫn còn nhiều rào cản như thiếu quỹ đất, thủ tục phức tạp, cơ chế đấu thầu chưa phù hợp, lợi nhuận bị khống chế ở mức thấp, và các gói tín dụng khó tiếp cận do lãi suất cao và thời gian trả nợ ngắn.
Trước thực trạng này, VNREA đề xuất các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý vi phạm trong đấu thầu đất đai và hoạt động môi giới theo các quy định mới của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.
Trong năm 2025, VNREA sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về bất động sản; tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện hệ thống luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Du lịch, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Tín dụng, Luật Quy hoạch và phát triển đô thị…
Ngoài ra, Hiệp hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai 3 luật mới (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản). Đồng thời, VNREA sẽ chủ động theo dõi, phân tích thị trường, đưa ra các khuyến nghị chính sách, nhằm phục hồi và phát triển thị trường bất động sản theo hướng lành mạnh và bền vững.