TP.HCM: Nhiều trẻ nhỏ mắc Covid-19

09:23 08/09/2021

Hiện nay, tại TP.HCM đã ghi nhận một số bệnh nhi nhỏ tuổi mắc Covid-19 diễn biến nặng. Các bé có tình trạng nặng thường mắc bệnh nền như tim bẩm sinh, phổi mạn tính, tiểu đường, mạch vành, thiếu hụt miễn dịch như HIV...

Ngoài ra, bệnh lý thiếu kháng thể, hội chứng Down, bệnh lý thần kinh, huyết học, thiếu máu não, ghép tạng, ung thư, bệnh viêm hệ thống..., thường có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19 ở trẻ. Thông thường, trẻ béo phì, thừa cân là nhóm có nguy cơ chuyển nặng nhiều nhất và chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm trẻ mắc Covid-19. Do đó, các trường hợp trẻ nhỏ cần nhập viện khi mắc Covid-19 là bé dưới 12 tháng, trẻ có bệnh lý nền, cơ địa thừa cân hoặc có bệnh lý cấp tính đồng thời

Đặc biệt, bác sĩ chuyên khoa cũng cảnh báo nhóm trẻ mắc Covid-19 đơn thuần nhưng có dấu hiệu khó thở, thở nhanh cần được nhập viện do nguy cơ chuyển nặng. Hai trường hợp tử vong mới đây là trẻ có bệnh nền ung thư đang phải hóa trị định kỳ, bé còn lại mắc bệnh thiếu máu tan máu miễn dịch. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị một bé gái 13 tuổi có tình trạng nặng. Trước đó, bé nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, nhưng đến ngày thứ 5 thì đột ngột khó thở, SpO2 xuống thấp. 

Tỉ lệ trẻ em nhiễm bệnh chuyển nặng ít hơn người lớn, nhưng vẫn có trường hợp trẻ nhỏ tử vong do Covid-19
Tỉ lệ trẻ em nhiễm bệnh chuyển nặng ít hơn người lớn, nhưng vẫn có trường hợp trẻ nhỏ tử vong do Covid-19. (Ảnh: PV)

Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo với trẻ mắc Covid-19, tỷ lệ diễn biến nặng thấp hơn so với người lớn, nhưng vẫn có trường hợp trẻ nhỏ tử vong do Covid-19. Do đó, người lớn phải theo dõi sát tình trạng của bé, đặc biệt là triệu chứng khó thở, hụt hơi, nhịp thở nhanh...

Theo Bác sĩ chuyên khoa, người dân TP.HCM trải qua thời gian giãn cách xã hội dài, trẻ nhỏ chỉ ở nhà, tuy nhiên, các bé vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh từ người lớn. Đa số bé lây nhiễm SARS-CoV-2 từ cha mẹ và người chăm sóc trẻ, giúp việc trong gia đình. Khi số lượng F0 trong cộng đồng tăng cao, người lớn đi làm, đi chợ, tiếp xúc nhiều nguồn lây, sau đó về nhà và lây nhiễm cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, một số nguồn lây từ người giúp việc theo giờ, thợ sửa điện, nước..., cũng có thể vô tình khiến trẻ bị nhiễm.

Trẻ có thể nhiễm virus trong giọt bắn thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc chạm tay vào chất tiết bám trên bề mặt đồ chơi, cầu thang, lan can... Ngoài ra, biến thể Delta lơ lửng lâu trong không khí, nhất là môi trường kín. Chuyên gia này cho biết thực tế cho thấy những gia đình trong hẻm sâu, chật hẹp thường có số lượng F0 nhiều hơn hộ gia đình riêng lẻ. Trong các chung cư, khối nhà tiếp xúc với không gian mở, nhiều khí trời và ánh sáng ít bị nhiễm hơn những khối nhà khuất, không thông khí. Các gia đình nói chung cần chú ý vấn đề vệ sinh, thông thoáng nhà cửa, có ánh nắng mặt trời để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, không chỉ riêng SARS-CoV-2.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 nếu không có triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thì được cách ly tại nhà theo hướng dẫn nếu đủ điều kiện. Trong trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh nhi được điều trị tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 4 (do Bệnh viện Nhi đồng Thành phố phụ trách), Bệnh viện dã chiến số 11 (do Bệnh viện Nhi đồng 2 phụ trách) và Bệnh viện dã chiến Củ Chi (do Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách).

Các bệnh viện này đều có đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đã có chứng chỉ hành nghề và kinh nghiệm điều trị các bệnh lý ở trẻ em. Riêng với trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 có diễn tiến nặng, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố hoặc Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị chuyên sâu. Theo thống kê của HCDC, tính đến hết ngày 7/9, toàn thành phố 42.029 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, trong đó có 2.808 bệnh nhân nặng đang thở máy.

Mai Anh