TP.HCM: Kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương bỏ sạp

21:28 02/04/2022

Mặc dù hoạt động kinh doanh đã cho bình thường trở lại, tuy nhiên việc mua bán tại các chợ ở TP HCM vẫn ế ẩm. Theo các tiểu thương, một phần do ảnh hưởng của đại dịch, ngoài ra việc phát triển kinh doanh online cũng làm cho sức mua tại các chợ sụt giảm.

Tại chợ An Đông, quận 5, nổi tiếng là trung tâm bán sỉ lớn và lâu đời nhất TP.HCM. Tuy nhiên, kể từ khi hết giãn cách xã hội đến nay, nơi đây vẫn vắng hoe, tiểu thương “đói” khách tới nỗi bỏ sạp rất nhiều.

Dạo một vòng quanh các chợ, nhiều chủ quầy uể oải lướt điện thoại hoặc buôn chuyện, người bán nhiều hơn kẻ mua. 

Đặc biệt, lên tầng 2, 3 là nơi bán vải vóc, quần áo, giày dép,... có những khu vực cho thuê, nhượng quyền cả dãy sạp. Giá rao cho thuê dao động từ chỉ 10-15 triệu 1 tháng nhưng vẫn khó, thậm chí nhiều chủ sạp hứa hẹn giảm giá cho khách thuê vì biết thời buổi làm ăn khó khăn do dịch. 

Kinh doanh ế ẩm, nhiều sạp ở chợ tại TP HCM phải đóng cửa
Kinh doanh ế ẩm, nhiều sạp ở chợ tại TP HCM phải đóng cửa. (Ảnh: PV) 

Chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, chợ Hoàng Hoa Thám, chợ Tân Bình, chợ Ông Tạ cũng đều có tình cảnh tương tự. Chị Nga, một chủ sạp đồ ăn, chia sẻ, chợ Bến Thành chủ yếu phục vụ du lịch nhưng kể từ khi đại dịch đến nay, khách du lịch không còn nên tình hình kinh doanh ế ẩm. Mặc dù kinh tế, du lịch mở cửa nhưng vẫn không ăn thua, hàng quán vẫn không bán được - Chị Nga cho hay.

Một chủ cửa hàng tại chợ Ông Tạ chia sẻ: “Ngày trước, chợ bán tới hơn 6h hơn nhưng giờ dịch giã ế ẩm, không bán được nên nhiều người dọn hàng từ lúc 4h00”.

Một tiểu thương chợ Hoàng Hoa Thám, Tân Bình thì cho hay: những sạp đóng cửa thường là sạp thuê lại. Giờ người ta không có đủ khả năng thuê tiếp nên đành bỏ. Họ cũng khổ lắm.

Chị Anh buôn bán ở chợ Bến Thành cho biết, sạp chị còn hoạt động vì là của nhà, chỉ đóng thuế, chứ không thuê mặt bằng nên mới trụ lại được. Tuy nhiên vẫn phải thu hẹp diện tích vì không có khách và không còn đủ sức để thuê nhân viên.

Kể từ khi xảy ra đại dịch covid 19, nhiều người đã quan tâm nhiều hơn việc mua hàng trực tuyến. Nhu cầu mua hàng online tăng cao và giảm hẳn việc người đến mua hàng tại các chợ truyền thống. Theo đánh giá của những chuyên gia, hiện kinh tế công nghiệp đã bắt đầu hồi phục nhưng ngành kinh doanh dịch vụ ở chợ truyền thống vẫn còn thấy “gam màu tối”.

Quang Đạo (T/h)