Thành phố Hải Phòng: “Điểm sáng” trong thu hút FDI

16:06 09/01/2024

Không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Phòng còn là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là điểm sáng trong phát triển KT-XH của TP cảng

Hải Phòng “ngôi sao sáng” trong thu hút FDI
Hải Phòng “ngôi sao sáng” trong thu hút FDI.

Lập kỷ lục hút vốn FDI

Năm 2023, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hải Phòng đạt kỷ lục. Tính đến ngày 20/12/2023, Hải Phòng giữ vững vị trí thứ 2 cả nước sau TP Hồ Chí Minh với tổng số vốn FDI đạt 3,4 tỷ USD. Tổng cộng, đến nay trên địa bàn Hải Phòng có 933 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.

Khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 ước đạt 65.068 tỷ đồng, tăng 8,15% so với cùng kỳ. Nguồn vốn thực hiện được tập trung chủ yếu ở 3 nhà máy của Tập đoàn LG tại Hải Phòng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng đẩy mạnh đầu tư như: Công ty TNHH Regina Miracle Internation Việt Nam; Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; Công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu; Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng. Trong năm 2023, Hải Phòng đã cấp mới 100 dự án với số vốn cấp mới đạt 1,3 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 46 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm hơn 1,9 tỷ USD.

Hải Phòng có 933 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD. Tổng thu hút vốn đầu tư nước ngoài bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 3.402,7 triệu USD. Hiện có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Hải Phòng (tính từ đầu năm đến 20/12/2023), trong đó Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 540,6 triệu USD, chiếm 36,67% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 454,8 triệu USD, chiếm 31,69% tổng vốn đầu tư và Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 204,2 triệu USD, chiếm 14,23% tổng vốn đầu tư.

Trong các dự án cấp mới từ đầu năm đến 20/12/2023, Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của chủ đầu tư Ecovance Co.Ltd (Hàn Quốc) có tổng vốn đăng ký lớn nhất, đạt 500 triệu USD; Dự án nhà ở Nam Long - Thủy Nguyên của chủ đầu tư Công ty TNHH VSIP Hải Phòng (Singapore) với tổng số vốn đăng ký là 93,4 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp pin Vanani và pin dòng oxy hóa khử để lưu trữ năng lượng của chủ đầu tư VRB Energy International Pte. Limited (Singapore) với tổng vốn đăng ký 83,7 triệu USD; Dự án khai thác tàu container của chủ đầu tư Zim Intergrated Shipping Services LTD (Isarel) với tổng vốn đăng ký 60 triệu USD.

Trong các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ đầu năm đến 20/12/2023, dự án điều chỉnh tăng vốn lớn nhất là Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng của Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1 tỷ USD; tiếp theo là dự án sản xuất máy và thiết bị của Công ty TNHH Công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam điều chỉnh tăng 237,5 triệu USD và dự án nhà máy sản xuất linh kiện nhựa, linh kiện điện tử của Công ty TNHH Hanmiflexible Vina điều chỉnh tăng 80 triệu USD.

Ảnh: Internet

Đẩy mạnh thu hút đầu tư trong và ngoài nước

Năm 2024, nhằm tiếp tục thúc đẩy thu hút nguồn lực phát triển thành phố Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút 2,0-2,5 tỷ USD vốn FDI, đồng thời tận dụng các thế mạnh, tiềm năng sẵn có đẩy mạnh và thu hút đầu tư trong nước. Triển khai có hiệu quả các công trình, dự án đầu tư trong nước, đảm bảo đúng tiến độ và mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Để đạt được mục tiêu trên, Thành phố đã đề ra một số giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện, bao gồm:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế hiệu quả kinh tế-xã hội.

Triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh xây dựng các dự án nhà ở công nhân. Nghiên cứu đề xuất thành lập khu thương mại tự do trong khu kinh tế biển ven biển phía Nam Hải Phòng. Thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistic mới.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistic đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ, đầu tư trực tuyến, thu hút các dự án lớn công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, có đóng góp lớn cho Thành phố. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với thực hiện quyết định của Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử.

Cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời; giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh.

Tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, điều hành hiệu quả dự toán ngân sách nhà nước để năm 2024, bảo đảm Thành phố hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán Hội đồng nhân dân Thành phố giao, tạo nguồn lực phát triển Thành phố.

Nam Trí Đức