Tỉnh táo trước chiêu thức lừa đảo trực tuyến mới

16:19 01/07/2024

Theo chiêu thức mới, tài khoản giả mạo yêu cầu nạn nhân truy cập một trang web và thực hiện theo hướng dẫn. Trang web này đánh lừa người dùng bằng cách yêu cầu kích hoạt tính năng tài khoản doanh nghiệp và nạp tiền vào.

Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Công ty Cổ phần Giao hàng tiết kiệm (GHTK) vừa nhận được một số phản ánh về việc các đối tượng mạo danh và đăng tải thông tin tuyển dụng sai lệch trên các fanpage giả mạo. Các đối tượng này liên hệ ứng viên, yêu cầu nộp phí hoặc chuyển tiền vào các ứng dụng để được tuyển dụng hoặc tham gia vào hội nhóm hỗ trợ tuyển dụng.

Cụ thể, vào ngày 31/5, một đối tượng lừa đảo đã giả mạo nhân viên của GHTK để đánh lừa nạn nhân về việc hoàn tiền đơn hàng. Khoảng 19h ngày 31/5, kẻ gian sử dụng một tài khoản Facebook có tên "Giao Hàng Tiết Kiệm" để nhắn tin với nạn nhân và yêu cầu hoàn tiền cho một đơn hàng.

Tỉnh táo trước chiêu thức lừa đảo trực tuyến mới. Ảnh minh họa
Tỉnh táo trước chiêu thức lừa đảo trực tuyến mới. Ảnh minh họa.

Tài khoản giả mạo này yêu cầu nạn nhân truy cập vào một trang web và thực hiện theo hướng dẫn. Trang web này tìm cách đánh lừa người dùng bằng cách yêu cầu kích hoạt tính năng tài khoản doanh nghiệp và nạp 330.493 đồng, được gọi là mã xác thực.

Sau khi nạn nhân chuyển tiền, trang web yêu cầu đóng tài khoản doanh nghiệp để rút tiền về tài khoản cá nhân. Đồng thời, kẻ gian thông báo rằng người dùng sẽ được tặng 500.000 đồng từ Ngân hàng UnionPay Việt Nam. Tuy nhiên, ngay sau đó, đối tượng yêu cầu tài khoản doanh nghiệp phải có số dư trên 3,5 triệu đồng thì mới có thể thực hiện giao dịch.

Tiếp theo, trang web gửi thông tin lừa đảo khác, yêu cầu người dùng chuyển khoản thêm để có thể rút tiền. Số tiền lần này cao hơn rất nhiều so với lần trước. Để rút được 66.000 đồng, nạn nhân phải nạp thêm 3.493.493 đồng.

Sau khi nạn nhân chuyển khoản thành công, trang web liên tục báo lỗi, và số tiền hàng triệu đồng mà nạn nhân đã nạp vào hệ thống đã bị kẻ gian chiếm đoạt chỉ sau vài bước như vậy.

Có thể thấy, các đối tượng thường nhắm vào những người dùng nhẹ dạ, cả tin, đặc biệt là học sinh, sinh viên, nội trợ, những người đang mong muốn có công việc online tại nhà, việc làm thêm nhẹ nhàng để tăng thêm thu nhập. Không chỉ bị mất tiền cho các đối tượng lừa đảo, người dùng còn để lộ các thông tin cá nhân quan trọng, có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc khi truy cập vào đường link lạ hay thậm chí mất tài khoản ngân hàng khi thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng.

Đa số các cách kiếm tiền trên mạng đều là lừa đảo. Do đó, người dùng cần hết sức cảnh giác trước những lời lẽ mời chào, dụ dỗ trên mạng xã hội và không nên cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào cho các đối tượng lạ để tránh bị mất tiền oan.

P.V (t/h)