Công khai hàng chục trang website giả mạo tổ chức, doanh nghiệp lớn để lừa đảo

17:28 04/06/2024

Cơ quan Công an nhận thấy có một số trường hợp lừa đảo lập website giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử...

Ngày 4/6 Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đã phát hiện nhiều trường hợp tội phạm lừa đảo giả mạo mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử, cổng dịch vụ công quốc gia, sàn thương mại điện tử... để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Cụ thể, qua kiểm tra và phân tích, cơ quan Công an nhận thấy có một số trường hợp lừa đảo lập website giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử... 

Công khai hàng chục trang website giả mạo tổ chức, doanh nghiệp lớn để lừa đảo
Công khai hàng chục trang website giả mạo tổ chức, doanh nghiệp lớn để lừa đảo.

Công an thành phố Đà Nẵng khuyến cáo, người dân thường xuyên đọc và nắm bắt thông tin trên các trang mạng chính thống để kịp thời nhận biết thủ đoạn phạm tội của các đối tượng; đề cao cảnh giác, cần kiểm tra, xác minh kỹ thông tin trên các trang mạng xã hội và không chuyển tiền cho bất cứ ai, vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận chính xác người nhận tiền là ai, ở đâu.

Nếu không may bị lừa, lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp mà phải chuyển phí trước.

Các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chủ động rà quét để phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình, cảnh báo sớm đến người dùng, từ đó góp phần ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và chính thương hiệu của tổ chức, doanh nghiệp.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tại Việt Nam có 26 hình thức lừa đảo trên không gian mạng thường xuyên diễn ra. Trong đó 72,6% là lừa đảo trực tuyến vào tài chính.

Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2024, cơ quan an toàn thông tin đã chặn 2.418 website/blog. Trong đó, có 449 website lừa đảo trực tuyến, bảo vệ được gần 700.000 người dân đã kết nối đến những trang này…

Theo đánh giá của Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư - Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, người dân vẫn chủ động cung cấp thông tin của mình và người thân cho người khác một cách dễ dàng.

Trong khi đó, với các cơ quan, đơn vị đang nắm giữ thông tin công dân hay các doanh nghiệp khác, mức độ quan tâm đối với bảo vệ dữ liệu họ đang quản lý chưa đúng mực. Với những người được tiếp cận, quản trị dữ liệu, chưa có lớp đào tạo, hướng dẫn.

Các chuyên gia cùng cho rằng, để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lừa đảo trực tuyến, đầu tiên vẫn là vấn đề nhận thức, kỹ năng của người dân. Đồng thời, cần kết hợp nhiều biện pháp kỹ thuật và phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo trực tuyến.

P.V (t/h)