Bà Rịa -Vũng Tàu: Chờ phán quyết của Tòa án về Quyết định hành chính của UBND huyện Long Điền!

16:08 13/06/2024

Không đồng tình với 02 Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND huyện Long Điền, các hộ dân đã có đơn khởi kiện và được TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu thụ lý.

Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập đã đăng tải nội dung chuyển đơn khiếu nại của các hộ dân tại ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đến UBND huyện Long Điền về Quyết định số 6530/QĐ-KPHQ ngày 12/12/2022 và Quyết định số 158/QĐ-CCXP của Chủ tịch UBND huyện Long Điền về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các công trình xây dựng không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ảnh minh họa
 Công trình xây dựng của các hộ dân bị cưỡng chế theo Quyết định của UBND huyện Long Điền.

Liên quan đến nội dung trên, UBND huyện Long Điền đã có thông tin phúc đáp, cho rằng, việc ban hành Quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân, gồm ông Nguyễn Văn Đoàn, Lưu Văn Phước, Lưu Văn Cường, Phạm Văn Cần, Tạ Thái Sơn là đúng trình tự, thủ tục.

Theo UBND huyện Long Điền, khu đất S3 tại ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh trước đây là khu Nghĩa trang Trung Nam được UBND huyện Long Đất cũ (nay là huyện Long Điền) giao theo Quyết định số 58/QDUB1 ngày 5/2/1991 với diện tích 32.800m2 đất khu vực Nghĩa trang Trung Nam, xã Phước Tỉnh để làm nghĩa trang theo quy hoạch. UBND xã Phước Tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBX ngày 14/3/1991 về việc thành lập Ban trị sự quản lý Nghĩa trang Trung Nam, xã Phước Tỉnh để quản lý toàn bộ diện tích nêu trên.

Khu đất trên nằm giáp ranh với đất của hộ dân sử dụng đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, trong quá trình sử dụng các hộ dân lấn chiếm sử dụng và xây dựng công trình phụ từ năm 2002, đến năm 2013 giải tỏa khu Nghĩa trang để dầu từ xây dựng công viên công cộng xã Phước Tỉnh, sau đó tiếp tục đầu tư thi công tuyến đường vào trường Tiểu học Võ Văn Kiệt cắt ngang khu công viên và tạo ra một phần diện tích đất trống, tuy nhiên phần đất này không nằm trong ranh giới dự án công trình công viên công cộng xã Phước Tỉnh, thuộc đất nhà nước quản lý. Từ khi hình thành tuyến đường vào trường Tiểu học Võ Văn Kiệt, các hộ dân tiếp tục lấn chiếm, làm mái che tôn, nhà tạm trắng nền bê tông, xi măng làm lối đi và sử dụng.

Về phía các hộ dân cho biết, họ đã sinh sống tại ấp Phước Thắng và khai hoang mảnh đất trên thửa đất số 5, 11, 12, 13, 15, 16, 17, 128, tờ bản đồ số 135 với tổng diện tích cả 5 hộ là 1.259,2m2 từ năm 2000. Khi đó nơi đây là một bãi sình lầy, hoang hóa... Các hộ dân đã dọn dẹp, khai hoang và xây dựng nhà ở, chuồng trại kiên cố từ năm 2003, chính quyền địa phương không hề ý kiến gì và cũng không có tranh chấp, khiếu kiện. Năm 2017, các hộ dân đã gửi hồ sơ những thửa đất trên để đăng ký kê khai, hợp thức hóa tình trạng đất để ổn định lâu dài, nhưng UBND xã không trả lời. Nhiều năm sau, chính quyền địa phương cũng không có thông báo hay hướng dẫn gì liên quan đến diện tích đất các hộ dân đang sinh sống. Thế nhưng, tháng 11/2022 UBND xã Phước Tỉnh đã đưa giấy mời các hộ dân họp để thông báo về việc thu hồi đất đối với các hộ dân nhưng không nói rõ mục đích thu hồi cũng như hướng giải quyết quyền lợi liên quan. Trong khi sự việc chưa được giải quyết thì ngày 18/1/2023, các hộ dân nhận được Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do Chủ tịch UBND huyện Long Điền - Lâm Văn Hồng ký.

Ảnh minh họa
Văn bản phúc đáp của UBND huyện Long Điền gửi Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập.

Cho rằng các quyết định của UBND huyện Long Điền không dựa theo quy định pháp luật và thực tế sử dụng đất của người dân, các hộ dân đã làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên hủy 02 quyết định của Chủ tịch UBND huyện Long Điền. Ngày 9/4/2024, TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã có thông báo về việc thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm, người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Long Điền. Đến ngày 6/5/2024, TAND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại giữa người khởi kiện và người bị kiện.

Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trịnh Hoàng Bình - Công ty Luật TNHH HQC cho rằng: Căn cứ Văn bản hợp nhất số 21/VBHN-VPQH năm 2018 hợp nhất Luật Đất đai 2013 quy định: Về thẩm quyền thu hồi đất (Điều 66): UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây: Thu hồi đất đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo…; Thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.

Theo Khoản 1 Điều 67: Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng thuộc thẩm quyền thu hồi đất của UBND cấp tỉnh và cấp huyện thì UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất. Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.

Lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bao gồm các nội dung chủ yếu quy định tại Khoản 1 Điều 28 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BTNMT năm 2021 hợp nhất Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (tổ chức họp trực tiếp với người dân và lập biên bản có xác nhận của đại diện UBND xã, đại diện Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện những người có đất thu hồi; niêm yết công khai phương án tại trụ sở UBND xã, địa điểm sinh hoạt chung).

Nhóm PV