Tiktok kiếm hơn 10 tỷ USD chi tiêu từ người dùng toàn cầu

17:02 13/12/2023

Với TikTok, nền tảng không cung cấp dịch vụ đăng ký, doanh thu chủ yếu đến từ việc người dùng mua xu ở Tiktok Coins để gửi quà tặng ảo cho nhà sáng tạo nội dung trên ứng dụng này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Theo dữ liệu từ data.ai, TikTok đã trở thành ứng dụng giải trí di động đầu tiên không phải trò chơi đạt được cột mốc hơn 10 tỷ USD chi tiêu từ người dùng toàn cầu, tờ South China Morning Post đưa tin.

Ngoài TikTok, tất cả các ứng dụng khác đều là trò chơi, ví dụ như Candy Crush, Monster Strike, Clash of Clans và Honour of Kings của Tencent Holdings.

Trong năm nay, PUBG Mobile của Tencent, cũng có thể vượt qua cột mốc 10 tỷ USD chi tiêu từ người tiêu dùng.

Xếp hạng của data.ai dựa trên doanh thu thông qua Apple App Store và Google Play. Các ứng dụng ngoài lĩnh vực game có chi tiêu của người dùng cao nhất là Tinder, YouTube, Disney+ và Tencent Video. Đây đều các ứng dụng cung cấp các gói đăng ký thành viên.

Apple và Google chỉ lấy một phần doanh thu từ nội dung và dịch vụ kỹ thuật số được bán thông qua nền tảng của họ, không bao gồm các nền tảng thương mại điện tử như Shein và Temu.

Với TikTok, nền tảng không cung cấp dịch vụ đăng ký, doanh thu chủ yếu đến từ việc người dùng mua xu ở Tiktok Coins để gửi quà tặng ảo cho nhà sáng tạo nội dung trên ứng dụng này.

Những món quà đó sẽ tặng thẳng vào tài khoản của nhà sáng tạo nội dung và có thể rút được tiền khi tài khoản đủ số dư cho phép hoặc tiếp tục quy đổi thành xu, nhưng TikTok sẽ giữ lại 50% khoản thu nhập của họ. Dữ liệu từ Data.ai cho thấy, người dùng chủ yếu mua gói 1.321 xu với giá 19,9 USD.

Ngoài ra, doanh thu của họ cũng đến từ việc quảng cáo, từ đó công ty sẽ tiến sâu vào ngành thương mại điện tử. Doanh nghiệp Data.ai dự đoán rằng, điều này có thể giúp TikTok đạt được mức tăng trưởng lớn hơn vào năm tới, lên đến 15 tỷ USD doanh thu.

Trung Quốc và Mỹ là những “cỗ máy kiếm tiền” cho TikTok. Mỗi quốc gia tạo ra khoảng 30% doanh thu  mua hàng trong ứng dụng. Hai thị trường này chiếm 6 tỷ USD (60%) tổng chi tiêu của người tiêu dùng cho TikTok, tiếp theo là Ả Rập Saudi, Đức, Vương quốc Anh và Nhật Bản.

Trong một động thái nhằm mở rộng họat động, mới đây, hãng tin Reuters cho hay Tiktok đã quyết định mua lại mảng thương mại điện tử Tokopedia thuộc Goto, vốn là công ty mẹ của Gojek, trước áp lực cực lớn từ chính phủ Indonesia.

Cụ thể, Tiktok sẽ mua lại 75,01% cổ phần của Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia với giá 840 triệu USD. Đổi lại, Tokopedia sẽ mua lại Tiktok Shop ở Indonesia với giá 340 triệu USD.

Nước đi của Tiktok được cho là chịu sức ép từ chính phủ Indonesia sau quy định cấm kinh doanh online trên các nền tảng mạng xã hội vào tháng 10/2023 nhằm bảo vệ những hiệu buôn nhỏ lẻ cũng như dữ liệu người dùng, qua đó khiến Tiktok Shop bị đóng cửa.

Phương Anh (T/h)

Tags: