Thương mại, dịch vụ trở thành kinh tế chủ lực của thành phố Việt Trì (Phú Thọ)

07:17 02/11/2022

Để đưa thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò “đòn bẩy” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) tiếp tục khai thác hợp lý và có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đa dạng sản phẩm, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chợ Minh Phương (tp Việt Trì) mới từng bước hoàn thiện đưa vào hoạt động
Chợ Minh Phương (tp Việt Trì) mới từng bước hoàn thiện đưa vào hoạt động.

Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, phát triển thương mại, dịch vụ được thành phố Việt Trì ưu tiên hàng đầu, trong đó tập trung phát triển các khu thương mại, dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch; phát triển kinh tế hộ; đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế.

Phấn đấu đến năm 2025, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đặc biệt là dịch vụ phục vụ du lịch, quan tâm đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở. Thành phố tập trung cải tạo nâng cấp một số tuyến đường trọng điểm; xây dựng, nâng cấp cổng vào Khu di tích lịch sử, văn hóa tại xã Hùng Lô và phường Bạch Hạc; cắm biển chỉ dẫn, giới thiệu vào các điểm tham quan, các điểm di tích lịch sử văn hóa của các phường, xã; triển khai thi công hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật khu Đồng Cận (vườn hoa thành phố); hoàn thành đưa vào sử dụng công trình cầu đi bộ vượt hồ Đầm Cả - thuộc dự án hồ Công viên Văn Lang. Xây dựng các điểm du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch “Hát Xoan làng cổ”; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch ba “City tour Việt Trì”, sản phẩm Hát xoan làng cổ, tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ, tuyến du lịch quốc tế đường sông… tham quan các điểm du lịch của thành phố, từ đầu năm đến nay thành phố đã đón gần một nghìn lượt khách.

Nếu như trước đây, hoạt động lưu chuyển và bán lẻ hàng hóa của thành phố Việt Trì chỉ tập trung ở các chợ truyền thống hoặc một số cửa hàng đơn lẻ, thì nay ngày càng đa dạng với sự xuất hiện của nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đến nay, trên địa bàn thành phố có 24 siêu thị, ba Trung tâm thương mại, 21 cửa hàng tiện ích và trung tâm mua sắm, 18 chợ tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 17.240 tỉ đồng, tăng 691,1 tỉ so với năm 2020.

Các loại hình dịch vụ vận tải, thương mại, vui chơi giải trí, nhất là lĩnh vực kinh doanh, nhà hàng, khách sạn phát triển nhanh với chất lượng ngày càng cao. Các tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực được hình thành. Hệ thống cửa hàng kinh doanh, dịch vụ “mọc” lên ngày một nhiều với nhiều loại sản phẩm dịch vụ đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại và chất lượng với giá cả từ bình dân đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Các mặt hàng nông sản ở khắp mọi nơi được đưa vào hệ thống siêu thị
Các mặt hàng nông sản ở khắp mọi nơi được đưa vào hệ thống siêu thị.

Để đưa thương mại- dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò “đòn bẩy” trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, bền vững, thành phố Việt Trì tiếp tục khai thác hợp lý và có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, đa dạng sản phẩm, gắn với mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Hữu Nhu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm như: Xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm ẩm thực, đưa Chợ Minh Phương mới vào hoạt động và xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung... Trong đó, phát triển thương mại nội địa kết hợp các loại hình thương mại truyền thống mô hình homestay tại xã Hùng Lô, nâng cao chất lượng các khách sạn, nhà nghỉ, tuyến phố ẩm thực và các dịch vụ lưu trú khác.

Phát triển loại hình phương tiện giao thông công cộng, thân thiện với môi trường (chạy điện, chạy nhiên liệu sinh học…) theo phương án xã hội hóa bảo đảm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân và bảo vệ môi trường; quy hoạch và phát triển thêm các điểm đón và trung chuyển hành khách kết nối các điểm du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của người dân, khách du lịch. Ông Nhu cho biết thêm.

Mặc dù các ngành dịch vụ của thành phố có bước phát triển, song kết quả đạt được còn chưa xứng với tiềm năng. Một số phường, xã chưa quan tâm lãnh đạo, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển dịch vụ giai đoạn 2021-2025. Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có thương hiệu vào lĩnh vực dịch vụ, một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh còn nhỏ lẻ. Hạ tầng một số khu di tích văn hóa, lịch sử chưa được đầu tư toàn diện, chưa được tu bổ, tôn tạo kịp thời, còn khó khăn về thủ tục, nguồn vốn.

P.V