Thúc đẩy thị trường lao động phục hồi nửa cuối năm

10:58 26/07/2024

Với những dữ liệu vĩ mô tích cực trong tháng 6, kỳ vọng đà phục hồi hiện tại của hoạt động thương mại và sản xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường lao động trong nửa cuối năm 2024.

Báo cáo từ Công ty Chứng khoán VietCap cho thấy, thị trường lao động Việt Nam đã có những diễn biến tích cực trong quý 2/2024. Tổng lực lượng lao động tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2019, đạt 52,54 triệu người, tăng 0,3% so với quý trước và 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đạt 68,7%, tăng so với quý trước nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động có việc làm trong quý 2/2024 tăng gần 126.600 người so với quý trước, đạt 51,5 triệu người, và tăng 217.400 người so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, khu vực dịch vụ là động lực chính cho sự tăng trưởng này, với số lao động có việc làm tăng 216.800 người so với quý trước và 443.600 người so với cùng kỳ năm trước, đạt 20,8 triệu người. Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có số lao động tăng 28.300 người so với quý trước nhưng giảm 66.000 người so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 118.500 người so với quý trước và 160.100 người so với cùng kỳ năm trước.

Thúc đẩy thị trường lao động phục hồi nửa cuối năm
Thúc đẩy thị trường lao động phục hồi nửa cuối năm.

Một diễn biến đáng chú ý khác là số lao động có việc làm phi chính thức tăng 271.700 người so với quý trước, đạt 33,6 triệu người, trong khi số lao động có việc làm chính thức giảm 145.100 người so với quý trước, còn 17,9 triệu người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng lên 65,2%, mức cao nhất kể từ quý 4/2022.

Số người thất nghiệp trong quý 2/2024 tăng nhẹ 22.100 người so với quý trước, lên 1,1 triệu người, nhưng gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,08%, tăng so với quý trước nhưng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, số người thiếu việc làm giảm khoảng 11.600 người so với cùng kỳ, dẫn đến tỷ lệ thiếu việc làm là 1,99%, giảm so với quý trước.

Về thu nhập, mức lương bình quân tháng giảm 1,8% từ 7,6 triệu đồng trong quý 1 xuống 7,5 triệu đồng trong quý 2, do tiền thưởng thường được trả trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, mức lương bình quân tháng đã tăng 7%, đạt 7,5 triệu đồng. Khu vực dịch vụ tiếp tục là khu vực được trả lương cao nhất với khoảng 8,8 triệu đồng, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng có mức lương bình quân 8,3 triệu đồng, và khu vực nông, lâm, thủy sản là 4,4 triệu đồng.

Với những dữ liệu vĩ mô tích cực trong tháng 6, VietCap kỳ vọng đà phục hồi hiện tại của hoạt động thương mại và sản xuất sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường lao động trong nửa cuối năm 2024. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện liên tiếp. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 6/2024 cũng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, và tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

P.V (t/h)