Thu thập dữ liệu người dùng trái phép, Meta chịu mức phạt 14 triệu USD

17:01 26/07/2023

Theo Reuters, Facebook đã thu thập địa điểm, thời gian và tần suất sử dụng ứng dụng, website khác của người dùng vì mục đích quảng cáo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 26-7 (giờ Việt Nam), Tòa án Australia đã ra án phạt đối với Meta, chủ sở hữu Facebook, tổng cộng 20 triệu AUD (tương đương 14 triệu USD) vì thu thập dữ liệu người dùng thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh, dù ứng dụng này được quảng cáo như một cách để bảo vệ quyền riêng tư.

Tòa án Liên bang Australia cũng yêu cầu Meta, thông qua các công ty con là Facebook Israel và ứng dụng Onavo (hiện đã ngừng sản xuất), phải trả 400.000 AUD chi phí pháp lý cho Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC), nơi đã đưa ra vụ kiện dân sự.

Theo Reuters, khoản tiền phạt này bao trùm một loạt các vấn đề pháp lý của Meta tại Australia liên quan đến việc xử lý thông tin người dùng. 

Phán quyết của tòa án ngày 26/7 liên quan đến Onavo, dịch vụ mạng riêng ảo (VPN) mà Facebook cung cấp từ đầu năm 2016 đến cuối 2017. Onavo được quảng cáo là một cách giữ thông tin cá nhân an toàn khi dùng Internet.

Tuy nhiên, Facebook lại dùng nó để thu thập địa điểm, thời gian và tần suất sử dụng ứng dụng, website khác của người dùng vì mục đích quảng cáo.

Theo Thẩm phán Abraham, việc Meta không thông báo đầy đủ đã khiến hàng chục nghìn người dân Australia không đưa ra quyết định chính xác về quyền thu thập, sử dụng dữ liệu của họ trước khi tải xuống và sử dụng ứng dụng Onavo.

Dựa trên quy định mức phạt 1,1 triệu AUD cho mỗi lần vi phạm luật tiêu dùng, Thẩm phán Abraham nhấn mạnh tòa đã có thể phạt Meta hàng trăm tỷ AUD do người dân Australia đã tải xuống ứng dụng này 271.220 lần. Tuy nhiên, số lần vi phạm có thể xếp chung vào một hành vi và mức phạt vừa đưa ra có "đủ sức răn đe."

Trong một tuyên bố, Meta khẳng định, không bao giờ muốn lừa dối người dùng. Những năm qua, công ty đã phát triển công cụ để giúp mọi người hiểu và kiểm soát dữ liệu của họ tốt hơn.

Chủ tịch ACCC Gina Cass-Gottlieb cho rằng, người dân Australia nên được đưa ra lựa chọn sáng suốt về những gì xảy ra với dữ liệu của họ dựa trên thông tin rõ ràng.

Anh Tú (t/h)