Thông tin về giống thanh long ruột đỏ không xuất khẩu được sang thị trường Nhật Bản

17:55 16/02/2023

Chiều 16/2, tại TP HCM, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - tổ chức họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định (LĐ 1) sau khi có thông tin mặt hàng này gặp vướng mắc khi xuất khẩu sang Nhật Bản do vấn đề bản quyền.

Ảnh minh họa
 Họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ Long Định (LĐ 1)/ Nguồn ảnh NLĐ

Tại cuộc buổi họp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, cho rằng vừa qua, 1 số doanh nghiệp không xuất khẩu được thanh long ruột đỏ sang Nhật không phải do vấn đề bản quyền mà bởi các lý do khác như tiêu chuẩn, chất lượng.

Bà Thoa cũng cho biết công ty sẵn sàng chia sẻ bản quyền với mức phí từ 10-30 đồng/kg (tùy sản lượng) đối với doanh nghiệp và nông dân có nhu cầu xuất khẩu thanh long LĐ 1 vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Doanh nghiệp cũng sẵn sàng bao tiêu xuất khẩu giống thanh long LĐ 1 sang Hàn Quốc, Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 20%-30%. Điều kiện là nông dân phải trồng theo tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

"Ngoài thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu nông dân và doanh nghiệp nào cần chứng minh nguồn gốc, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ bản quyền và không thu phí trong 5 năm, kể từ thời điểm hiện tại" - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khẳng định.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh bản quyền là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.

"Tôi đánh giá cao tinh thần chia sẻ bản quyền của Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit khi đưa ra mức phí phù hợp, mang tính tượng trưng. Tôi đề nghị công ty có văn bản chính thức về việc chia sẻ bản quyền này để người dân, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện, tránh vi phạm bản quyền" - ông Nguyễn Như Cường đề nghị.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, nhiều đại diện nông dân và doanh nghiệp mong muốn thu hồi bản quyền giống thanh long LĐ 1 về cho nhà nước để người dân, doanh nghiệp sử dụng tự do. Khi đó, ngành thanh long sẽ phát triển hơn.

Nếu giải quyết không ổn thoả, quyền lợi của các doanh nghiệp, nông dân và quyền lợi quốc gia trong việc xuất khẩu thanh long sang các thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng.

Vừa qua, như báo chí đưa tin, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở Long An cho biết, đơn hàng của họ bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, sâu xa là câu chuyện liên quan đến vấn đề bản quyền giống, đối với trái cây xuất khẩu. 

Sở dĩ có tình trạng này là do thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bị vướng rào cản bất ngờ. Trước đây, việc cấp mã số vùng trồng không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc có yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống. Nhưng đa số các vùng trồng thanh long của bà con không đáp ứng yêu này.

Đa số bà con nông dân ở Long An đều canh tác giống thanh long ruột đỏ LD1. Để có mã số vùng trồng, bà con phải có chứng nhận bảo hộ giống cây trồng. Giống này Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán bằng bảo hộ giống cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian 20 năm. Người dân, doanh nghiệp khác muốn được cấp giấy chứng nhận bảo hộ giống phải thông qua công ty này.

Thực tế, khái niệm về "bản quyền, hay chứng nhận bảo hộ giống" còn khá xa lạ với nhiều nông dân, doanh nghiệp. Ngay cả ở những vùng nông sản đã được xuất khẩu bấy lâu nay bởi đa số thị trường nhập khẩu, mới chỉ dừng lại ở yêu cầu về mã số vùng trồng, với các yêu cầu về diện tích, sinh vật gây hại và biện pháp quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên bản quyền giống là đòi hỏi tất yếu mà trước sau gì, các nông sản của Việt Nam cũng phải tuân thủ nếu muốn xuất khẩu.

Nhật Bản đã bắt đầu nhập khẩu thanh long Việt Nam từ năm 2009, tuy nhiên trước đây việc cấp mã số vùng trồng thanh long xuất đi Nhật không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, thị trường này mới có thêm yêu cầu này.

Theo Cục Trồng trọt, hiện không riêng Nhật Bản, mà một số nước nhập khẩu nông sản cũng có yêu cầu chứng nhận nguồn gốc giống. Việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết nhằm tránh việc "xài chùa". Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.

Rõ ràng việc nông sản phải tuân thủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu ở đây là bản quyền, bảo hộ cây giống là yêu cầu tất yếu nếu muốn nông sản của ta được thị trường nhập khẩu chấp nhận. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Theo các chuyên gia và đại diện cơ quan chức năng, có hơn 90% trái thanh long của Việt Nam được xuất sang thị trường Trung Quốc. Riêng thị trường Nhật Bản chỉ khoảng 2.000 tấn/năm, chính vì vậy việc bản quyền thanh long ruột đỏ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thanh long trong thời gian tới.

Điều đáng tiếc là tại cuộc họp, một số doanh nghiệp đã tố cáo nhau xuất hàng kém chất lượng nên bị phía Nhật cấm xuất khẩu hay có doanh nghiệp bán phá giá… Ông Cường nhắc lại câu chuyện xuất khẩu cá tra những năm trước và đề nghị các doanh nghiệp ngồi lại, hợp tác cùng phát triển vì hình ảnh sản phẩm và cả đất nước, con người Việt Nam.

Thanh Hà t/h