Thị trường Vương quốc Anh: Những vấn đề doanh nghiệp Việt cần quan tâm

16:04 01/06/2023

Với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) có hiệu lực, hoạt động giao thương đã đạt được những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam lại chưa tận dụng được lợi thế của mình.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sau hơn hai năm thực thi, thương mại giữa Việt Nam và thị trường Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (gọi tắt là thị trường Anh) đã có những bước tiến đáng kể: Cán cân thương mại liên tiếp xuất siêu, ưu đãi thuế quan với hàng xuất khẩu đạt 17,2%; Trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều Việt - Anh vẫn đạt gần 6,6 tỷ USD năm 2021, dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập khẩu từ Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%, cán cân thương mại nghiêng về Việt Nam xuất siêu hơn 4,8 tỷ USD.

Theo số liệu từ Bộ Kinh doanh và Thương mại Vương quốc Anh, đến cuối năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 40 của Vương quốc Anh, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 61 (chiếm 0,1% tổng giá trị xuất khẩu của Anh) và là đối tác lớn thứ 29 về nhập khẩu (chiếm 0,7% tổng giá trị nhập khẩu của Anh). 

Các doanh nghiệp cũng đã phần nào được hưởng lợi từ UKVFTA. Điển hình như với một công ty sản xuất nhựa thì có thể tận dụng ưu đãi thuế quan để xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang thị trường Anh. Với việc miễn thuế quan 100% kể từ ngày 01/01/2021, công ty này có thể cạnh tranh mạnh trên thị trường Anh và tăng doanh thu từ xuất khẩu.

Ngoài ra, với các công ty xuất khẩu nông sản, như cà phê, mật ong thiên nhiên có thể hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Anh. Việc loại bỏ 100% thuế quan kể từ 01/01/2021 cho các sản phẩm này sẽ giúp công ty tăng cơ hội tiếp cận thị trường Anh và mở rộng quy mô xuất khẩu.

Hay với các công ty sản xuất gỗ và các sản phẩm từ gỗ, họ có thể hưởng lợi từ việc giảm 83% thuế quan cho gỗ và các sản phẩm từ gỗ kể từ 01/01/2021. Điều này có thể thúc đẩy xuất khẩu ván gỗ dăm, ván sợi, gỗ dán và các sản phẩm từ gỗ khác từ Việt Nam sang thị trường Anh.

Mặc dù đã có sự tăng trưởng vượt bậc song đây vẫn là những con số vẫn được đánh giá là tương đối khiêm tốn, thể hiện rằng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường này.

Đây có thể nói là một điều đáng tiếc khi trong UKVFTA, phần lớn các mặt hàng đang được hưởng ưu đãi là hàng hóa Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu.

Cụ thể, về một số sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan khi nhập khẩu vào Anh, ưu đãi cao nhất dành cho các sản phẩm từ nhựa, túi, ví, vali, mũ, ô dù, điện thoại và phụ kiện (được miễn thuế quan 100% kể từ ngày 01/01/2021); một số nông sản và sản phẩm nông nghiệp (bao gồm cà phê, mật ong thiên nhiên, nước ép hoa quả, hoa tươi, hoa quả tươi và đã chế biến được xóa bỏ 100% thuế quan kể từ 01/01/2021). Tiếp đến là gỗ và các sản phẩm từ gỗ (83% thuế quan được xóa bỏ kể từ 01/01/2021, các sản phẩm khác bao gồm ván gỗ dăm (particle board), ván sợi (fiber board) và gỗ dán (plywood) sẽ được xóa bỏ thuế quan sau 2 - 4 năm); máy tính, các sản phẩm đồ điện và linh kiện (74% thuế quan được xóa bỏ kể từ 01/01/2021); thủy hải sản (50% thuế quan được xóa bỏ kể từ 01/01/2021 và 50% còn lại sẽ được xóa bỏ sau 2, 4 hoặc 6 năm), riêng cá ngừ đóng hộp có hạn ngạch thuế quan là 1,566 tấn/năm và cá viên là 68 tấn/năm…

doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường này.
Doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ UKVFTA

Những điều doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý:

Lý giải việc các doanh nghiệp Việt Nam còn dè dặt trong việc tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này, đầu tiên cần phải kể đến vấn đề rào cản về tiêu chuẩn. Bà Tôn Nữ Thục Uyên, Phó giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng lưu ý các doanh nghiệp: "Anh đã rời khỏi EU và tới đây sẽ ban hành rất nhiều những biện pháp, quy định mới để áp dụng tại Anh. Trước đó, vào tháng 6/2022, Anh đã thông báo cho các nước thành viên WTO rằng, Anh sẽ sửa đổi quy định về an toàn sản phẩm, an toàn đối với sản phẩm, trong đó yêu cầu một số những sản phẩm như máy móc, thiết bị điện tử phải gắn một cái dấu gọi là dấu UKCA thay cho dấu CE của EU kể từ 31/12/2024”. Dấu UKCA (UK Conformity Assessed - Đánh giá Sự phù hợp của Vương quốc Anh) là dấu chứng nhận sản phẩm mới của Vương quốc Anh, được yêu cầu đối với một số sản phẩm được đưa vào thị trường ở Vương quốc Anh (Anh, xứ Wales và Scotland) và bao gồm hầu hết các sản phẩm mà trước đây yêu cầu dấu chứng nhận CE. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không được công nhận ở thị trường Châu Âu nên trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán sản phẩm ở cả thị trường Anh và Châu Âu thì sẽ cần cả dấu UKCA và dấu CE trên sản phẩm của mình.

Thứ hai, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường cũng như các yêu cầu dành cho hàng hóa của mình. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài trong việc tìm hiểu về các thủ tục cũng như tiếp cận thị trường một cách dễ dàng hơn, Chính phủ Anh đã xây dựng công cụ tra cứu trực tuyến về thuế quan, các loại thuế cũng như quy định giao thương với Vương quốc Anh tại đây. Các doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ trên để tra cứu, đồng thời cập nhật thường xuyên các quy định mới của Chính phủ Anh để áp dụng, tránh tình trạng dẫn đến thiệt hại vì không nắm rõ quy định.

Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến vấn đề truy xuất nguồn gốc cũng như xây dựng cho mình một hệ thống quản lý nguồn gốc xuất xứ hàng hóa một cách hiệu quả. Tất cả những ưu đãi đến từ UKVFTA sẽ chỉ có giá trị khi hàng hóa của doanh nghiệp chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ từ Việt Nam một cách rõ ràng, đầy đủ hồ sơ. Việc sở hữu một hệ thống quản lý nguồn gốc chuẩn chỉnh cũng là bước đệm để doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận được thị trường Anh mà còn cả những thị trường khó tính khác như Châu Âu, Hoa Kỳ… đồng thời hạn chế được nhiều rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp.

Phương Linh