Thanh tra Chính phủ: Xe buýt nhanh Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong đợi

09:04 27/07/2021

Dự án xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả như mong đợi là hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông, theo Thanh tra Chính phủ.

Ngày 26/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về một số dự án đầu tư xây dựng nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, về hiệu quả hợp phần 1 - xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội, cơ quan thanh tra cho rằng, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sang vận tải công cộng.

Các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ trên tuyến BRT chưa thuận tiện. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.

Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân đạt 40 người/lượt, chỉ đạt hơn 44% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt hơn 75% công suất.

"Như vậy, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn, nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn ắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố", Thanh tra Chính phủ nêu. 

Xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Xe buýt nhanh BRT tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành 

Ngoài ra, cơ quan thanh tra kết luận dự án xe buýt nhanh BRT ở Hà Nội đoạn từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến và từ Khuất Duy Tiến đến Bến xe Yên Nghĩa, chủ đầu tư đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng bê tông xi măng, gây lãng phí ngân sách 15 tỷ đồng.

Hợp phần 1- xe buýt nhanh PRT Hà Nội có sai phạm về tài chính với tổng số tiền hơn 43,5 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị TP Hà Nội rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục những bất cập nêu trên, khuyến khích người dân tham gia đi buýt nhanh BRT để nâng cao hiệu quả.

Tại kết luận, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra các sai phạm ở ba dự án giao thông khác trên địa bàn Hà Nội là: dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn cầu Chui - cầu Đuống, phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên; dự án xây dựng phố Lê Trọng Tấn; dự án cải tạo, nâng câp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì.

Tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa khởi công đầu năm 2013, dự kiến khai thác vào quý II/2015 nhưng chậm tiến độ hơn một năm. Đến cuối năm 2016, dự án mới bắt đầu khai thác. Tuyến buýt chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Viết Tuân/vnexpress.net