Thanh Hóa: Sự cần thiết của Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025. Bài cuối: Tháo gỡ những “nút thắt”, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

21:59 18/11/2021

Để có cái nhìn toàn diện, sâu sắc về sự cần thiết của Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thi, PCT Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Thi , Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa.

PV: Thưa ông! Ở từng giai đoạn lịch sử khác nhau, tỉnh Thanh Hóa luôn đưa ra kế hoạch, đề án phù hợp cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025 được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt khi toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ do đại dịch Covid-19. Xin ông chia sẻ?

Ông Nguyễn Văn Thi: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là những người đóng góp chủ yếu vào thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, giúp xoá đói, giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển doanh nghiệp là quy luật tất yếu của nền kinh tế. Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, tỉnh Thanh Hóa luôn coi phát triển doanh nghiệp là động lực để thực hiện các mục tiêu trọng tâm.

Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) ban hành Kết luận về phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016 -  2020, công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ đó nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của phát triển doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; gắn định hướng hoạt động của doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cũng nhờ vậy mà tinh thần và phong trào khởi nghiệp lan tỏa trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là trong đoàn viên, thanh niên, sinh viên; năng lực quản trị, điều hành của đội ngũ doanh nhân, cán bộ quản lý doanh nghiệp được nâng lên. Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng nhanh (đứng thứ 7 cả nước); gấp 2,7 lần về số doanh nghiệp và 5,2 lần về số vốn đăng ký so với giai đoạn 2011-2015.

Song, nhìn chung công tác phát triển doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ lớn (trên 98%); mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân còn thấp so với trung bình cả nước và một số tỉnh trong khu vực. Địa bàn đăng ký, hoạt động của doanh nghiệp phát triển không đồng đều, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh sản phẩm chưa cao. Chất lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa phát triển tương xứng với số lượng.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe, đời sống của Nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa ghi nhận, đánh giá cao sự chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Bằng tài năng, tình cảm và trách nhiệm của mình, những người làm doanh nghiệp tỉnh Thanh đã đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Để cùng với doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh bị tác động bởi dịch bệnh được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh Covid-19 sẽ còn gây ra những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn nếu khu vực doanh nghiệp không được tiếp sức bằng những giải pháp căn cơ. Do đó, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cũng cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực doanh nghiệp có thể thích ứng với tình hình mới, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh chóng, tạo đà bứt phá, góp phần đạt được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

PV: Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025 có ý nghĩa như thế nào đối với việc hoàn thành những mục tiêu kinh tế mà NQ 58 và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX đã đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mục tiêu thành lập mới 15.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Đến năm 2025, phấn đấu mật độ doanh nghiệp hoạt động bình quân đạt 7,9 doanh nghiệp trên 1.000 dân; khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65 - 70% GRDP của tỉnh; có khoảng 500.000 lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp; đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp chiếm 65% tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc thì vai trò của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng và không thể thay thế.

Đề án phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 chính là sự cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Tiếp nối những thành quả, khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phát triển doanh nghiệp thời gian qua, đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển của tỉnh, tạo đòn bẩy để doanh nghiệp vượt qua đại dịch,… tỉnh Thanh Hóa phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025 là hết sức cần thiết trong việc thực hiện các mục tiêu chung của tỉnh. Đây là “cẩm nang” làm cơ sở để phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư trong thời gian tới.

PV: Những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp sáng tạo cũng như tạo nhiều điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung chính của Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025. Xin ông chia sẻ những giải pháp trọng tâm để kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân và các phong trào khởi nghiệp phát triển, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Thi: Để đạt được mục tiêu phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt quan tâm đến phong trào khởi nghiệp. Việc tổ chức phát động chương trình khởi nghiệp, đưa tinh thần khởi nghiệp đến với mọi người dân đã và đang được tỉnh cùng trường Đại học Hồng Đức phối hợp thực hiện. Trong đó chú trọng khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và đất nước ở lực lượng thanh niên, tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công, sự hỗ trợ ban đầu của nhà nước, sự chung tay hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội là hết sức quan trọng. Bên cạnh việc hướng dẫn, tập huấn, đào tạo kỹ năng khởi nghiệp, tỉnh Thanh Hóa kêu gọi các quỹ đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp tại Thanh Hóa.

Những điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp của tỉnh đạt được có sự đóng góp to lớn, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Trong đó có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp, doanh nhân trưởng thành từ phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ của tỉnh.

Ngoài ra, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội là mục tiêu mà tỉnh Thanh Hóa hướng tới. Đó là việc khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế. Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng, đa dạng thị trường, tìm kiếm các đối tác mới, ngành hàng mới; hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của thiên tai, dịch bệnh.

Thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường là tiêu chí để lựa chọn xúc tiến đầu tư; ưu tiên các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, thân thiện với môi trường. Tiếp tục vận động, kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty trong và ngoài nước có uy tín, có năng lực tài chính đầu tư các dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

Xác định Khu kinh tế Nghi Sơn là trọng điểm để phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đang khẩn trương lập và phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, điều chỉnh mở rộng làm cơ sở thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Từng bước đưa Nghi Sơn trở thành đầu tàu kinh tế hết sức quan trọng để kéo con tàu Thanh Hóa đi lên là nhiệm vụ, mục tiêu không những chỉ cho riêng Thanh Hóa, mà còn kéo cả kinh tế của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ và các tỉnh vùng Nam đồng bằng Bắc bộ đi lên.

Chung kết cuộc thi
Chung kết cuộc thi "Sinh viên khởi nghiệp" năm học 2020-2021 tại trường Đại học Hồng Đức. Đây là hoạt động thường niên do trường phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức.

PV: Trong nhiều bài phát biểu, ông có nhấn mạnh đến việc: Không thể để tình trạng doanh nghiệp xin ý kiến, giấy tờ “lòng vòng”, mất nhiều thời gian. Nếu phát hiện sẽ xử lý theo quy định. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn?

Ông Nguyễn Văn Thi: Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh qua đó kêu gọi được những nhà đầu tư, những dự án tốt nhất. Song vẫn còn nhiều vấn đề cần phải đổi mới, hoàn thiện.

Chúng ta phải mạnh dạn nhìn thẳng vào những tồn tại mới có thể tìm ra các giải pháp khắc phục. Không chỉ bộ máy hành chính, mà từng cán bộ cũng phải nỗ lực đổi mới quy trình và phương pháp làm việc. Trên thực tế, nhiều địa phương trong nước như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… đã đi đầu, đổi mới căn bản quy trình giải quyết thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và các dự án đầu tư. Tỉnh Thanh Hóa cần phấn đấu vào tốp 10 cả nước về cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư phát triển.

Vì thế thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính và các khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư dự án để doanh nghiệp không phải đi “lòng vòng”, mất thời gian.

Nếu dự án liên quan đến thẩm quyền của cả 3 sở (Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và Xây dựng), thì giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện giải quyết thủ tục, tránh để chủ đầu tư phải đi từng sở, giải quyết từng khâu vướng mắc như trước kia.

Về thời gian giải quyết thủ tục, các sở, ngành cần hoàn thiện trong 5 ngày làm việc. Trường hợp cần sự phối hợp của các đơn vị liên quan phải hoàn thành trong 6 ngày làm việc… Nếu tình huống chưa đầy đủ cơ sở để giải quyết, đơn vị chủ trì phải có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh ngay để tháo gỡ khó khăn kịp thời. Tiếp tục nâng cao các chỉ số đo lường về môi trường đầu tư như PCI, PAPI. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền điện tử, nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong môi trường đầu tư. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh việc thanh tra, kiểm tra trùng lắp về nội dung giữa các cơ quan quản lý nhà nước; chỉ thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. 

Tỉnh Thanh Hóa kiên quyết xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ, công chức gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, với các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp sẽ đoàn kết, tiếp tục sát cánh cùng chính quyền, Nhân dân, tranh thủ cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hiền (Thực hiện)