Thanh Hóa: Hội nghị Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp và người dân

16:13 01/04/2022

Sáng 1-4, tại khách sạn Central, TP Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Tham dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo Hội sở chính của các tổ chức tín dụng có chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở ban ngành tỉnh Thanh Hóa cùng đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh...

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022 là việc làm thiết thực. Đây là cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh kết nối với các tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn đầu tư, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hiện nay, toàn tỉnh có 5.660 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 47.302 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cho vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ; cho vay để sản xuất kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hơn 37.887 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là 29 tỷ đồng; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ là 370 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 651,3 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 17 tàu hậu cần và 41 tàu đánh bắt hải sản xa bờ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sớm ban hành Luật về xử lý nợ xấu, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ; sửa đổi Nghị định số 67/2014/NĐ-CP theo hướng cho phép ngân hàng được thu giữ tàu trong trường hợp ngư dân không trả được nợ để bàn giao lại tàu cho ngư dân khác đáp ứng các điều kiện theo quy định; ngư dân nhận bàn giao tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo các Hội sở ngân hàng và tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chi nhánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động hiệu quả, đáp đứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, nhất là đối với các dự án lớn, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh; đồng thời, khảo sát, mở rộng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch tại các khu vực miền núi của tỉnh để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phát biểu
Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp phát biểu.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đã có những chia sẻ về thực trạng tình hình hoạt động, những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp. Đồng thời có những mong muốn, kiến nghị với các ngân hàng có các giải pháp tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để sớm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Sau đại dịch, dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt do phải đối mặt với chi phí nguyên vật liệu tăng cao và còn phải chi trả chi phí y tế khá lớn trong việc thực hiện xét nghiệm định kỳ, nguồn tài chính dự trữ hầu như đã sử dụng trong khoảng thời gian dài giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn với đa phần các ngân hàng đều khó khăn, do những tiêu chí về kết quả kinh doanh, tài sản bảo đảm, hay phương án triển khai sau vay vốn phải được đánh giá khả thi… Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn hạn chế.

Nguyên nhân xuất phát từ cả phía doanh nghiệp, ngân hàng và cơ chế, chính sách. Đó là nguồn lực về vốn của các ngân hàng thương mại còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu... Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ thường có năng lực tài chính hạn chế, không có bộ phận chuyên trách về pháp lý. Việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo... cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thực trạng đó, đặt ra yêu cầu bức thiết trong giai đoạn này là cần có giải pháp và cơ chế rõ ràng để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Vì vậy, các ngân hàng nên xem xét thiết kế các gói sản phẩm tín dụng dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó giảm bớt các điều kiện đánh giá về năng lực tài chính, hay xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, thay vào đó, việc đánh giá có thể dựa trên tiêu thức xác định doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các tiêu chí đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh, nhằm kiểm soát rủi ro mà không cần thiết phải có tài sản đảm bảo.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan mong các ngân hàng rà soát lại quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn; đồng thời xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao. Các tổ chức tín dụng khẩn trương thiết kế các sản phẩm cho vay đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng theo từng nhóm ngành nghề để có các giải pháp đáp ứng yêu cầu vay vốn của doanh nghiệp một cách linh hoạt hơn.

Hiền Minh