Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp

17:41 20/10/2023

Dường như Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu mới chỉ đánh giá, đề cập đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của các ngành hàng Việt Nam... mà ít có được đánh giá, cảnh báo về năng lực hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa
Nhiều hiệp hội được doanh nghiệp đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế. Ảnh minh họa.

Theo thống kê sơ bộ từ Viện Phát triển doanh nghiệp (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), hiện nay cả nước có khoảng 800 hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân có quy mô, địa bàn hoạt động từ cấp tỉnh trở lên.

100% địa phương có Hội doanh nghiệp cấp tỉnh, 53/63 địa phương có hiệp hội doanh nghiệp có tên gọi và giữ vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của địa phương.

Chức năng hiệp hội còn nhiều hạn chế

Tại nhiều địa phương, có rất nhiều mô hình Hội qui mô cấp huyện hoặc cấp xã, được thành lập độc lập hoặc giữ vai trò dạng Chi hội của Hiệp hội doanh nghiệp qui mô cấp tỉnh, qua đó tạo nên mạng lưới khá hoàn chỉnh về tổ chức đại diện doanh nghiệp Việt Nam trên phạm vi cả nước.

Qua theo dõi, đánh giá của VCCI, các địa phương đều có các chương trình làm việc thường kỳ với các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp thông qua các hình thức tổ chức triển khai khác nhau, từ hội nghị chung, qui mô lớn đến các mô hình cà phê doanh nhân hay gặp gỡ lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp.

Khảo sát đánh giá năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp gần đây của VCCI từ phía doanh nghiệp cho thấy, sự chuyển biến khá tích cực của các hiệp hội doanh nghiệp trong thời gian qua, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia các hiệp hội doanh nghiệp.

Các hiệp hội doanh nghiệp đáp ứng tương đối tốt các yêu cầu của các hội viên, đặc biệt doanh nghiệp đánh giá cao năng lực phục vụ hội viên của các hiệp hội doanh nghiệp (tổ chức đào tạo, hội thảo). Năng lực lãnh đạo quản trị của hiệp hội doanh nghiệp cũng được các doanh nghiệp đánh giá đáp ứng tốt yêu cầu.

Tuy nhiên, ông Lương Minh Huân, Phó Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp thẳng thắn cho rằng bức tranh về năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề. Chức năng cốt lõi của hiệp hội doanh nghiệp là đại diện bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp, tham gia các hoạt động vận động chính sách và đối thoại chính quyền mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Đáng chú ý, năng lực tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách pháp luật được các doanh nghiệp đánh giá yếu nhất trong các chức năng của hiệp hội doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn có một số hiệp hội được đánh giá ở mức cao, đáp ứng được cả yêu cầu của hội nhập kinh tế như: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Da Giầy Việt Nam, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát, Hiệp hội kinh doanh vàng.....

Ngoài ra, một trong những hạn chế của các hiệp hội doanh nghiệp hiện là địa vị chính thức của hiệp hội hiện nay vẫn chưa rõ ràng và chưa đầy đủ. Cho đến hiện nay, khung khổ pháp luật về hoạt động của hội nói chung và hiệp hội doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa được hoàn thiện.

Mặc dù, quyền tự do lập hội được quy định tại Hiến pháp, nhưng Luật về Hội đã mất rất nhiều năm dự thảo vẫn chưa thể được thông qua, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ vẫn đang là văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh công tác của các Hội nói chung.

Theo ông Huân, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp ngày càng quan trọng, điều này được khẳng định trong Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị, các văn bản luật và nhiều chiến lược phát triển ngành khác.

Nhưng thời gian qua, dường như Nhà nước, các tổ chức nghiên cứu mới chỉ đánh giá, đề cập đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam, của các ngành hàng Việt Nam... mà ít có được đánh giá, cảnh báo nào về năng lực hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, sự vững mạnh và chuyên nghiệp của các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam sẽ tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, của ngành hàng và cả nền kinh tế.

"Nếu hoạt động tốt, các hiệp hội doanh nghiệp sẽ thúc đẩy liên kết kinh doanh, một yếu tố được xem là điểm yếu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, góp phần chia sẻ thông tin, thực hiện xúc tiến thương mại, tạo ra lợi thế trong các đàm phán các hợp đồng thương mại quốc tế", ông Huân nhấn mạnh...

Tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh cho các hiệp hội

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, ông Huân cho rằng chúng ta cần cân nhắc thực hiện một số giải pháp quan trọng.

Cụ thể, Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp. Cần sớm ban hành văn bản mới thay thế Nghị định 45 ở cấp độ cao hơn, tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh cho việc ra đời, hoạt động và phát triển của các hội, hiệp hội nói chung và các hiệp hội doanh nghiệp nói riêng.

Bên cạnh đó, các hiệp hội doanh nghiệp cần hoạt động theo đúng tính chất của một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về tài chính và không vụ lợi. Các hiệp hội doanh nghiệp bình đẳng với nhau về cơ hội và điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

Để phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, theo ông Huân, Nhà nước cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Cần xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện để các hiệp hội doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia cung cấp các dịch vụ công.

“Làm được như vậy Nhà nước vừa giảm được áp lực về kinh phí và nhân lực, vừa nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, phù hợp với chương trình cải cách hành chính đang được triển khai thực hiện ở nước ta hiện nay”, ông Huân nhấn mạnh.

Để đảm bảo sự tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các hiệp hội doanh nghiệp, Nhà nước cần có cơ chế để các bộ, ban, ngành khi xây dựng, ban hành văn bản chính sách mới phải tiến hành lấy ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp có liên quan. Việc lấy ý kiến phải thực chất, không làm chiếu lệ, hình thức, quy định rõ trách nhiệm của hiệp hội doanh nghiệp trong việc cho ý kiến, đảm bảo đúng thời gian và trình tự thực hiện.

Về phần mình, các hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoạt động phù hợp với đặc điểm, tính chất của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, để trở thành chỗ dựa vững chắc của các hội viên doanh nghiệp.

Vũ Khuê