Tái cấu trúc nguồn vốn là một trong những "chìa khóa vàng" để doanh nghiệp vượt khó và phát triển bền vững

07:30 24/05/2021

Các chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh mới, tái cấu trúc doanh nghiệp (DN) thì tái cấu trúc về vốn là quan trọng. Bởi doanh nghiệp đang kinh doanh trong một môi trường thay đổi và bất ổn, trong khi nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp hiện rất lớn. Không chỉ vậy, việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Gần 10% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh

Về mặt vĩ mô, số liệu thống kê về DN trong những tháng đầu năm vẫn rất quan ngại. Trong khi số DN thành lập mới và quay trở lại kinh doanh cơ bản không thay đổi so với thời gian trước. Tuy nhiên số DN rút lui và tạm ngừng kinh doanh là rất cao. Thống kê 4 tháng đầu năm, con số DN tạm ngừng kinh doanh là 28.000, trong khi năm 2019 chỉ có 16.000.

Ngoài việc thiếu hụt thị trường và nguồn nguyên liệu do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19 thì hiện nay gần 10% doanh nghiệp Việt Nam đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh; đặc biệt là đối với các doanh nghiệp ở quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, việc huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh là vấn đề hết sức quan trọng, thậm chí có tính chất sống còn đối với nhiều doanh nghiệp.

Để ứng phó với những tác động từ đại dịch, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí hoạt động và duy trì tình hình tài chính; trong đó bao gồm hỗ trợ các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp, giãn nộp bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn, giãn thuế... Mặc dù, những nỗ lực này được các doanh nghiệp đánh giá cao nhưng mỗi khu vực doanh nghiệp lại đón nhận các chính sách này theo những cách rất khác nhau.

Theo báo cáo mới đây do VCCI tiến hành điều tra với hơn 12.000 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế gia trị gia tăng.... Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước ngặt nghèo như vậy thì việc tự lực để tiếp cận nguồn tài chính ngân hàng cũng không thuận lợi và dễ dàng.

Cũng theo kết quả điều tra của VCCI cho thấy, 83% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp; 60% doanh nghiệp nhận thấy lãi suất và các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp tư nhân luôn khó khăn hơn so với các doanh nghiệp Nhà nước; 46% doanh nghiệp phản ánh thủ tục vay vốn còn rất phiền hà và 39% doanh nghiệp được hỏi cho biết ngân hàng, các tổ chức tín dụng áp đặt điều kiện tín dụng bất lợi cho doanh nghiệp.

Đó là chưa kể, có khoảng 38% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "việc bồi dưỡng cho cán bộ ngân hàng, tổ chức tín dụng để được vay vốn là phổ biến"; thậm chí có tới 26% doanh nghiệp phản ánh hiện tượng "cán bộ ngân hàng/tổ chức tín dụng cố tình bắt lỗi, kéo dài thời gian xử lý hồ sơ"...

Theo một số chuyên gia tài chính, cho đến nay, nhiều doanh nhân vẫn quan niệm rất đơn giản về cơ cấu vốn của doanh nghiệp, chỉ khi nào cần đầu tư mới đi vay vốn hoặc phát hành cổ phiếu. Chính “tâm lý” này đã ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp và tính an toàn của cấu trúc vốn.

Thực tế cho thấy, đa phần các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đều quá phụ thuộc vào nguồn vốn vay. Sự chạy theo doanh thu dẫn tới việc doanh nghiệp không kiểm soát được chặt chẽ dòng tiền thu về. Còn sự mất cân đối nguồn vốn là hệ quả của việc dùng vốn ngắn hạn để đầu tư vào trung hạn.

Mặt khác, tỷ lệ vốn tự có quá lớn dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, không có chiến lược. Tất cả những tồn tại điển hình này đã ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc tài chính của doanh nghiệp, mà cụ thể là làm mất khả năng thanh toán, mất cơ hội kinh doanh (do không chủ động được về nguồn vốn) và gặp nhiều trở ngại trong việc huy động vốn...

Đa dạng nguồn vốn, doanh nghiệp cần xác định cơ cấu vốn tối ưu

Nói đến nguồn vốn cho doanh nghiệp, người ta thường nghĩ đến nguồn vốn tín dụng trong khi doanh nghiệp còn có thể huy động được rất nhiều nguồn vốn khác ngoài vốn ngân hàng. Tái cấu trúc nguồn vốn là vấn đề doanh nghiệp cần nhìn nhận lại, nhất là trong bối cảnh Covid-19 như hiện nay.

Có một thực tế là trong khi một loạt doanh nghiệp đang khát vốn, phải tìm đủ mọi cách để tiếp cận các nguồn vốn từ bên ngoài thì vẫn có không ít doanh nghiệp dùng quá nhiều vốn tự có, rất ngại đi vay. Việc không dùng đòn bẩy nợ sẽ khiến các doanh nghiệp đã, đang hoặc sẽ phải đối diện với 4 hậu quả: không có quy mô vốn lớn, ngại hay không đủ tự tin để tiếp cận các dự án lớn, khó có cơ hội tăng tốc, không thu hút được nguồn vốn bên ngoài.

Theo ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà Kinh tế (VEC), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn đầu tư tài chính Green+: Hiện có 6 hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp là huy động vốn từ góp vốn ban đầu, huy động vốn từ lợi nhuận không chia mà dùng từ để tái đầu tư, huy động vốn từ phát hành cổ phiếu, huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng, huy động vốn bằng tín dụng thương mại, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay Việt Nam chủ yếu huy động vốn bằng tín dụng ngân hàng. Điều này không bảo đảm nguồn vốn bền vững cho doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung, hiệu quả huy động vốn thấp. Phương hướng cơ bản của thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp cần thực hiện theo một số giải pháp.

"Doanh nghiệp cần xác định cơ cấu vốn tối ưu", ông Đặng Đức Thành chia sẻ. Theo ông, một cơ cấu vốn tối ưu thể hiện qua tỷ lệ hợp lý giữa hai nguồn vốn chủ sở hữu và vốn vay, được tối ưu cả về quy mô và chi phí vốn.

Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Ngoài việc huy động vốn từ chủ sở hữu và tín dụng ngân hàng, giải pháp cơ bản về phía doanh nghiệp là phải huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu và cổ phiếu doanh nghiệp.

Giải pháp này có rất nhiều ưu điểm. Doanh nghiệp có thể huy động được một lượng vốn lớn để mở rộng và phát triển doanh nghiệp; mở rộng quy mô, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong sản xuất do tiếp thu được nguồn lực mới cả về tài chính, công nghệ, thị trường... Ngoài ra, các hình thức huy động vốn khác như cho thuê tài chính hoặc các hình thức tài trợ thương mại quốc tế cũng cần được tận dụng.

Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp. Chất lượng quản trị tốt sẽ giúp năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng, các tổ chức tín dụng và huy động vốn từ thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần thiết lập một chuẩn mực quản trị hiện đại và điều hành phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tăng cường vai trò của ban kiểm soát và các cơ quan chuyên môn như bộ phận kiểm toán nội bộ, bộ phận tái cấu trúc vốn... Thực hiện chuẩn hóa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) theo chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Xây dựng chính sách quản trị rủi ro và nâng cao khả năng quản trị rủi ro của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường vốn Việt Nam hiện có rất nhiều lợi thế để phát triển. Có thể kể như khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nền tảng kinh tế vĩ mô khá vững chắc, triển vọng phục hồi và phát triển khá tốt. Quy mô thị trường, lượng giao dịch ngày càng lớn, chỉ số P/E ở mức hấp dẫn so với các thị trường khu vực. Cùng với đó, thu nhập của người dân tăng nhanh, ngày càng có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán dẫn đến dòng vốn từ cá nhân đi vào thị trường nhiều hơn.

Chính vì vậy, để có thể tận dụng được những lợi thế trên, doanh nghiệp cần cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp, đa dạng hóa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ thông tin tính toán cấu trúc vốn tối ưu. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro bài bản hơn, xây dựng và thực thi chiến lược “Kinh doanh số”.

Gia Minh