Suối Giải Oan có…oan?

00:00 12/10/2020

Chọn vào giữa mùa mưa lũ năm 2015 chúng tôi tổ chức một cuộc hành trình tới xã Thượng Yên Công nơi có dòng suối Giải Oan – Yên Tử - Quảng Ninh để được “mục sở thị” những gì mà xưa nay người đời lại  buộc “tội” cho dòng Suối hiền hòa này cái sự tích cả trăm cung tần mỹ nữ thời Trần gieo mình xuống đây chết oan, chết nghiệt đến thế.

suoi-giai-oan-khi-can-nuoc

“ Sử sách truyền lại có khác nhau cũng là điều bí ẩn oan khuất của 100 nàng cung nữ. Khi vua Trần Nhân Tông rời ngôi lên Yên Tử tu hành, có 100 cung tần, mỹ nữ theo nhà vua nhưng không được vua cho ở lại Yên Tử tu hành. Quay trở lại kinh thành thì xa, quân lính tân vương bao bố khắp nơi. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, 100 nàng mỹ nữ đã gieo mình xuỗng suối tự vẫn. Lúc bấy giờ có tốp người Dao bản địa đi kiếm củi về, thấy vậy òa xuống cứu vớt, nhưng chỉ có 5 chàng trai cứu sống được 5 mỹ nữ, rồi xin lấy làm thiếp để tri ân. Sau vua thương xót cho lập chùa Giải Oan”. Đấy, trên mạng internet có nhiều nguồn tin đại loại như thế.

Chưa hết,  ở một bài viết khác cho thấy trong sách “Cõi thiêng Yên Tử” có đoạn: “… Để tỏ lòng trung với vua, một trăm cung phi liền trẫm mình xuống suối Hồ Khê dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải Oan. Suối Hồ Khê, nơi các cung phi trẫm mình, cũng từ đó mang tên Giải Oan”…

Trước hết chúng tôi khảo cứu xem “ làng Nương, làng Mụ” mà theo Nhà văn Quốc Hải  nói,  vùng Thượng Mộ Công nay là Thượng Yên Công thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh không hề có tên “làng Nương”, “làng Mụ” như sách “Cõi thiêng Yên Tử”  ( tác giả nguyên là một cán bộ Sở Văn hóa Quảng Ninh đã viết).

May thay có bản dịch “Thần tích- Thần sắc” địa phương do tiến sĩ Hoàng Giáp từng làm việc tại Viện nghiên cứu Hán Nôm hiệu đính, và người dịch Hoàng Thúy Nga, người cùng viện.

Các tài liệu do Viện Hán Nôm lưu trữ là do thừa hưởng thành quả của Viện Viễn Đông bác cổ. Họ cho sưu tầm, ghi chép, chỉnh lý về các di tích lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo. Được lưu giữ bằng ba loại hình ngôn ngữ văn tự: Chữ Hán, chữ Việt, chữ Pháp. Phần chữ Pháp được diễn dịch chi tiết hơn.

Thông qua hệ thống hành chính, họ yêu cầu kê khai từ cấp cơ sở. Đây là tờ phúc trình của viên chánh tổng, nguyên văn:

                   Bí Giàng ngày 9 tháng 5 năm 1938

                 Kính gửi quan huyện Yên Hưng

                   Tên tôi là phạm Văn Mẫn 39 tuổi, chánh tổng tổng Bí Giàng, phúc trình lên quan lớn một việc sau đây:

                   Duyên thừa sức hỏi về phong tục và thần tích của xã Thượng Mộ Công, tôi đã tuân thân đến tận nơi, trách hợp với hương lý cùng khảo sát mọi nhẽ.

Vậy tôi đã điều tra rõ ràng và xét thấy xã Thượng Mộ Công hướng lai chưa hề có sự lệ và phong tục gì đáng chú ý cả. Nguyên xã ấy vì năm mươi năm về trước, cũng bị loạn lạc, dân cư đã phải siêu tán đi, dần dần mới chiêu hồi về làm ăn, thì phần nhiều là người Nùng, cùng là Mán Thanh y, Thanh phán cả, cho nên vì thế mà dân xã chưa có lệ tục gì cả, vả bia ký không còn gì mà tra cứu ra được. Vậy tôi phải làm giấy phúc trình lên quan lớn biết.

Xã Thượng Mộ Công xưa nay là Thượng Yên Công. Cứ theo tờ trình của viên chánh tổng thì nơi đây không có tên gọi nào khác, không có phong tục, lệ tục gì cả, vì phần đông là người các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên tổng Bí Giàng có xã Nam Mẫu, ( trong nguyên bản Hán tự viết rõ chữ Nam. Nam ở đây có nghĩa là phương nam, hướng nam chứ không phải như văn bản hành chính của địa phương ngày nay gọi là Năm mẫu). Và thần thành hoàng được thờ ở đây là Cao Sơn, Quý Minh, tướng của vua Hùng, thuộc loại thượng đẳng thần.

Nguyên văn sắc phong thời nhà Nguyễn đã được hai vị Hoàng Thúy Nga và Hoàng Giáp dịch và hiệu đính:

“ Sắc chỉ cho xã Nam Mẫu, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên từ xưa đã phụng thờ Cao Sơn, Quý Minh thượng đẳng thần. Các thần đã được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Duy Tân năm đầu làm lễ đăng quang vậy ban chiếu ân lớn. Lễ trọng nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ để ghi nhớ ngày Quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Hãy nhận.”

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).

Và, Đình làng Nam Mẫu thờ các vị thần rất cổ xưa đó là hai anh em ruột Cao Sơn, Quý Minh là tả hữu tướng quân của Hùng Duệ vương có công đánh giặc Thục.

Ngoài hai vị thần chính cổ xưa này không thấy phảng phất một bóng hồng nào được thờ phụ trong ngôi đình hoặc miếu, đền nào khác. Và trong các văn bản cổ có liên quan đến khu vực quanh Yên Tử không hề tìm kiếm được cái tên của hai “làng Nương”, “làng Mụ” .

Như vậy, qua những tìm hiểu trên chúng tôi thấy rằng những địa danh tại khu vực Yên Tử (xã Thượng Yên Công )  xưa và nay thì “làng Nương”, “làng Mụ”đều không hề có . Và địa danh “ Nam Mẫu” không phải là “ năm bà mẹ” như chúng ta vẫn tưởng.

Theo nguồn tư liệu mà Nhà văn Hoàng Quốc Hải thu thập được cho thấy như sau: “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim chép việc Trần Nhân tông xuất gia như sau: “Đến khi Nhân tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Vũ Lâm ( làng Vũ Lâm, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) sau về ở Yên Tử sơn” ( tr 152-153 ). “Lịch sử Việt Nam” của Lê Thành Khôi không chép việc Trần Nhân tông xuất gia. Việc này “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thời Sỹ chép: “Mùa thu tháng 7, tu sửa am Ngọa Dược ở núi Yên Tử. Thượng hoàng lại xuất gia đi tu ở núi Yên Tử. Đến Long Động từ biệt các cung tần mỹ nữ, cho họ được tự do. Người nào không muốn về quê thì cấp ruộng làm nhà ở dưới chân núi cho họ ở. Thượng hoàng thường về Thiên Trường ngự ở cung Trùng Quang” ( tr 393).

Cũng sự kiện này “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Tháng 7, mùa thu, Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân. Trước kia, Thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay lại xuất gia đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ người nào không muốn về thì cấp ruộng và cho nhà ở chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang” (Tập I tr535 ).

Hai bộ sử này đều chép sự kiện Trần Nhân tông xuất gia giống nhau. Nhưng đều không có chi tiết 100 cung nữ trầm mình.

Theo Nhà văn Hoàng Quốc Hải,  Trần Nhân Tông - một người dấn thân từ nhỏ, sống kiệm cần từ nhỏ, liệu ta có thể tin Trần Nhân tông đã cho phép các hậu cục tuyển hầu riêng ngài những 100 cung tần mỹ nữ từ khi ngài lên ngôi tới lúc ngài xuất gia không?

Phật giáo không chấp nhận thuyết linh hồn mà theo học thuyết nhân quả, nghiệp báo và luân hồi. Trần Nhân tông là giáo chủ của một chính phái, liệu ta có tin ông lập chùa thờ cúng mấy linh hồn chết ảo không.

Nói tóm lại chuyện  100 cung nữ trầm mình, chuyện lập chùa thờ cúng, chuyệnlàng Nương”, “làng Mụ” đều là chuyện hư ảo cả.

Cho nên chuyện “Suối Giải Oan” cho các cung nữ chết ảo, lại hóa ra chuyện hàm oan cho Trần Nhân tông- một vị vua Phật sáng giá nhất trong các vị vua của Việt Nam và cả nhân loại.

Vẫn giữa mùa mưa lũ, suối Giải Oan chỉ có chừng vài chục phân nước róc rách chảy hiền hòa. Ở đây xưa nay rừng rậm ngút ngàn lấy đâu ra lũ quét. Làm sao với mực nước ít ỏi thế này mà cả trăm cung tần mỹ nữ có thể gieo mình xuống chết cùng lúc được.

 Tiếng mưa rừng như ném về hiện tại một Hoài niệm buồn:

“ Tí tách mưa rơi, rừng ướt sũng

Phía Tây Sơn quán nở nhành hoa

Hương thơm thoang thoảng bên bờ Suối

Gió lạnh tràn về nỗi xót xa…”.

Tháng 7 chưa có mùa đông, nhưng sau đợt mưa rừng, gió Bắc tràn về se se lạnh  như cứa vào lòng lữ khách… nỗi buồn cần được “giải oan” bên dòng suối Giải Oan./.

Văn Nguyễn