Sửa đổi Điều lệ giải Báo chí Quốc gia cho mùa giải 2024

22:22 18/03/2024

Ngày 18/3, tại TPHCM, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Trong đó, có đề xuất sửa đổi bổ sung, Điều lệ 2024 cho giải thưởng báo chí.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu khai mạc hội nghị
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Báo Hưng Yên

Về kinh phí cho giải (tiền thưởng) có tăng nhưng rất ít. Đề xuất bổ sung quy định về huy động nguồn lực xã hội hoá nhằm tăng Quỹ trao giải.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia về việc sửa đổi Điều lệ Giải căn cứ đề xuất, kiến nghị của Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVII và các ý kiến tại Hội nghị tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các tháng 10, 11/2023 tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo Ban Nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu, phân tích, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để chỉnh sửa, hoàn chỉnh Điều lệ Giải báo chí Quốc gia.

Ngày 31/01/2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Công văn số 29/CV-HNBVN gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; các Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam về việc xin ý kiến sửa đổi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia đến 127 đơn vị, trong đó 63 Hội Nhà báo địa phương được đề nghị gửi ý kiến.

Các đại biểu dự hội nghị Ảnh: Báo Hưng Yên
Các đại biểu dự hội nghị Ảnh: Báo Hưng Yên.

Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên thay đổi về điều kiện dự giải, nên cân nhắc việc thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo không được gửi tác phẩm, sản phẩm dự giải. Vì tác giả có thể đứng tên ở nhiều loại giải khác nhau, chỉ nên quy định không được tham gia loại giải mình chấm thì sẽ động viên được nhiều tác giả tham gia hơn.

Một số thành viên cho rằng, việc thu gọn nhóm giải ở loại hình Phát thanh, Truyền hình, Báo in thì hơi tiếc, nếu có kinh phí có thể giữ nguyên 3 nhóm giải như trước đây sẽ chặt chẽ và phù hợp với thực tế báo chí. Bởi Tạp chí và báo đều có thế mạnh riêng, mỗi loại đều có thể tranh giải, trúng giải trong phân khúc của mình trong cùng nhóm giải, cùng một loại hình. Hơn nữa, thể loại điều tra rất quan trọng trong báo chí, tính chất khác với thể loại tin, bài phản ánh, nên nếu xếp chung vào một nhóm giải e rằng chưa hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc thu gọn Phát thanh, Truyền hình mỗi loại hình còn 2 loại giải như dự thảo là hợp lý, nhưng thu Báo in lại 2 loại giải và đặt thêm một loại giả cho Tạp chí, thì cần phải cân nhắc thêm vì theo Điều lệ cũ đang có 3 loại giải cho các loại hình Báo in, trong đó, 280 Tạp chí chính trị - xã hội hiện nay chủ yếu tham gia loại giải thứ ba về bình luận, xã luận, chuyên luận. Nếu tách Tạp chí ra 1 loại giải thì công bằng cho Tạp chí không được “cải thiện” là bao vì mất cơ hội tham gia giải thứ ba cho Báo in (đã bị cắt), mất cả cơ hội tham gia giải Báo điện tử (vì đã được cho ra ở riêng). Do vậy, cơ hội cho 280 Tạp chí chính trị - xã hội tham gia để có giải là khó khăn hơn nhiều so với Phát thanh và Truyền hình.

Chưa kể, theo cơ cấu giải, hiện nay, 319 Tạp chí khoa học hầu như đang đứng ngoài hệ thống giải, mặc dù, truyền bá khoa học đang là vấn đề vô cùng quan trọng đối với đất nước (chưa kể, 72 Tạp chí văn học nghệ thuật cũng hầu như rất ít cơ hội tham gia giải). Vì vậy, ý kiến đề xuất cần bổ sung thêm nhà tà 1 loại giải nhóm các thể loại thông tin truyền bá khoa học, nghiệp vụ, sẽ vừa tạo điều kiện cho cơ hội tham gia giải của các tạp chí rộng mở hơn.

Nếu vậy đảm bảo tỷ lệ công bằng các cơ quan Báo in, Tạp chí trong việc tham gia giải quốc gia. Bởi vì theo cơ cấu này, cả 671 Tạp chí đều có cơ hội tham gia giải. Và cũng đã đến lúc cần có giải cho nghiên cứu truyền bá lý luận báo chí, truyền thông tặng cho các cá nhân có các tác phẩm, công trình, tập hợp công trình nghiên cứu, truyền bá lý luận, nghiệp vụ báo chí, truyền thông. Do tính chất đặc biệt của loại hình này, có thể mỗi năm chỉ tặng 01 giải, đảm bảo kinh phí không quá vượt trội đồng nghĩa với việc không để bộ phận này đứng ngoài giải, mặc dù không thể không tính đến đóng góp quan trọng của họ đối với nền báo chi đất nước.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị Ảnh Báo Hưng Yên
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị Ảnh Báo Hưng Yên.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên bổ sung thêm Giải tôn vinh suốt đời với những nhà báo có thành tựu to lớn (xuất sắc), có nhiều công lao đóng góp đặc biệt đối với Báo chí cách mạng Việt Nam, ví dụ như 2 nhà báo kỳ cựu Phan Quang, Hà Đăng. Giải này có thể không trao hằng năm mà chỉ trao khi Hội đồng binh chọn được người xứng đáng theo những tiêu chí nhất định.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng Giám khảo, ngoài việc bổ sung một số điểm điều kiện tham dự giải như: Tác phẩm dự thi phải được đã đăng, phát lần đầu trong thời gian quy định trên các phương tiện thông tin đại chúng được cơ quan quản lý nhà nước cấp phép; sửa quy định về số lượng và thành phần nhóm tác giả cho phù hợp với thể loại; Bổ sung quy định: Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo không được tham gia chấm chung khảo hoặc không được tham gia tiểu ban sơ khảo có danh sách tác phẩm dự thi của chính mình.

Mị Dung