Quảng Ngãi: Tổng kết công tác thực hiện chuyển đổi số trong năm 2022 và định hướng kế hoạch năm 2023

06:43 09/12/2022

UBND tỉnh Quảng Ngãi tổng kết tình hình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trong năm 2022 và định hướng kế hoạch năm 2023.

Xác định rõ nhiệm vụ cấp bách phải thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản trong công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Tăng tốc triển khai chính quyền điện tử Cổng dịch vụ công từ đầu năm 2022

Ngay từ tháng 1/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã chủ trì họp đánh giá về kết quả phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, chuyển đổi số và triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh trong năm 2022. 

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính quyền số
Tăng tốc triển khai chính quyền điện tử Cổng dịch vụ công từ đầu năm 2022 qua đó đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính quyền số. 

Nhằm triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp huyện, đến nay đã thành lập 19 ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp, trong đó 01 ban chỉ đạo cấp tỉnh, 13 ban chỉ đạo cấp huyện (đạt tỷ lệ 100%) và 05 ban chỉ đạo các sở, ngành để triển khai chỉ đạo công tác chuyển đổi số của địa phương; 100% cơ quan nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện phân công cán bộ phụ trách/kiêm nhiệm về công tác chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Sau gần 05 năm triển khai Hệ thống Cổng Dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh, đến nay hệ thống này đã hoạt động cơ bản ổn định, đảm bảo về yêu cầu kỹ thuật và hoàn thành việc tích hợp với các hệ thống thông tin khác như: Cổng Dịch vụ công Quốc gia thuộc Văn phòng Chính phủ, Hệ thống Lý lịch tư pháp và Quản lý Hộ tịch thuộc Bộ Tư pháp, Hệ thống cấp mã số ngân sách thuộc Bộ Tài chính, Hệ thống đăng ký doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hệ thống VNPOST thuộc Bưu điện Việt Nam.

Hiện người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nộp dịch vụ công trực tuyến thông qua tài khoản thống nhất trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, các trường thông tin về người dùng được điền tự động. Cổng Dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử (iGate 2.0) tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Công an kiểm tra đáp ứng yêu cầu và thực hiện kết nối với CSDL quốc gia về dân cư. Từ ngày 01/6/2022, tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát TTHC tỉnh đã triển khai thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu…

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng chú trọng đến công tác an toàn thông tin mạng, chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; thường xuyên theo dõi và ban hành kịp thời các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định, thông báo, các biện pháp và giải pháp kỹ thuật khắc phục các lỗi, lỗ hổng bảo mật; tổ chức các đợt tập huấn về an toàn, an ninh thông tin; đã thẩm định và phê duyệt 40/40 hệ thống thông tin cấp tỉnh, cấp huyện, trong đó có 03 hệ thống thông tin cấp độ 3 và 37 hệ thống thông tin cấp độ 2; tham gia các đợt diễn tập an toàn thông tin do Cục An toàn thông tin tổ chức trong năm như: xếp thứ 07/126 đơn vị tại Diễn tập quốc tế APCERT năm 2022; xếp thứ 02/72 đơn vị tại Diễn tập quốc tế ACID năm 2022.

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia hướng tới chính quyền số

Tháng 3/2022, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã giao cho tỉnh Quảng Ngãi thực hiện nhiệm vụ: “đến tháng 9/2022 có 50% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi áp dụng Nền tảng phát thanh số”. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi đã gửi công văn đề nghị Đài Tiếng nói Việt Nam (đơn vị được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số giao chủ trì Nền tảng phát thanh số) phối hợp trong việc triển khai Nền tảng phát thanh số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Sở Thông tin Truyền thông đã trực tiếp làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Truyền thông - đơn vị đầu mối triển khai thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành nhiều văn bản, quyết định nhằm hỗ trợ đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ mà Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã giao cho tỉnh, như: Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch bổ sung nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số tỉnh Quảng Ngãi năm 2022…

Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi là 01/08 địa phương có Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (iGate 2.0) đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh an toàn hệ thống theo các yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và kết nối chính thức với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Chuyển đổi số năm 2023 hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp

UBND tỉnh Quảng Ngãi xác định, chuyển đổi số phải hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, lĩnh vực nào người dân, doanh nghiệp cần thì tập trung chuyển đổi trước. Đông thời, tập trung phổ cập và phát triển công dân số, ưu tiên thực hiện chuyển đổi số ở một số lĩnh vực trọng tâm như: nông nghiệp và thương mại; giáo dục; y tế; giao thông vận tải và logistics; tài nguyên và môi trường; du lịch; tài chính - ngân hàng… 

Quảng Ngãi định hướng kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp
Định hướng kế hoạch chuyển đổi số Quảng Ngãi trong năm 2023 là hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, đặc biệt là tái cấu trúc hoặc đổi mới mô hình, quy trình hoạt động kết hợp với áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các ứng dụng, tiện ích thiết thực phục vụ mọi hoạt động của người dân để phổ cập chuyển đổi số rộng rãi trong xã hội.

Bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số để thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó đặc biệt chú trọng tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định và hoạch định chính sách; kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và an toàn thông tin; tăng cường phổ cập kỹ năng số cho Tổ Công nghệ số cộng đồng và người dân.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc và tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số; tham mưu, hướng dẫn, triển khai các nhiệm vụ, công tác về ứng dụng, phát triển CNTT, hiện đại hóa hành chính và chuyển đổi số; tiếp tuc Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng lựa chọn các nền tảng số được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận để tổ chức triển khai trên địa bàn tỉnh; Triển khai công tác đánh giá, công bố xếp hạng mức độ chuyển đổi số các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện; Đầu tư xây dựng mới các CSDL, hệ thống thông tin theo đúng định hướng, kế hoạch chung của Chính phủ; Tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công quốc gia; Quản lý điều hành Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng - SOC kết nối với Hệ thống hỗ trợ giám sát, điều hành an toàn mạng phục vụ Chính phủ số của quốc gia…

 Trọng Tâm