Phú Thọ: Tăng cường nâng cao hiệu quả sản phẩm OCOP

18:23 24/11/2023

Vừa qua, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 4553/UBND-NNTN về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025.

Điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP
Điểm giới thiệu, trưng bày và bán sản phẩm OCOP.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sâu sát, quyết liệt, cụ thể.

Tập trung chỉ đạo đánh giá cụ thể kết quả đã đạt được trong thời gian qua, có kế hoạch điều chỉnh để chỉ đạo đảm bảo hoàn thành vượt các mục tiêu toàn tỉnh trên có 228 sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; giải quyết việc làm ổn định cho trên 6.000 lao động nông thôn; giá trị sản phẩm sau khi được chứng nhận bình quân tăng từ 10 - 15%.

Đồng thời, thu hút thêm 40 chủ thể là các tổ chức (doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại...) tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm được liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 40%; mỗi huyện, thành, thị xây dựng ít nhất 1 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; 100% xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình.

Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ đổi mới, nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị để đảm bảo tính bền vững; khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương tổ thức sản xuất hàng hóa có quy mô đủ lớn, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cải thiện nâng cao chất lượng, mẫu mã, giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh luôn đạt tiêu chuẩn hóa, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp
Các sản phẩm OCOP của tỉnh luôn đạt tiêu chuẩn hóa, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp.

Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức thiết thực, hiệu quả: Tổ chức các hội chợ, lễ hội, chương trình xúc tiến thương mại; khai thác tiềm năng, lợi thế về thương mại điện tử, đẩy mạnh bán hàng trên không gian mạng, các sàn thương mại điện tử.

Triển khai thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu để hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 194 sản phẩm, nhóm sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên; giá trị sản phẩm ước đạt trên 360 tỉ đồng; giải quyết việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động, với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.

P.V