Phú Thọ: Quản lý, phát triển cụm công nghiệp hiệu quả góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh

16:22 06/09/2021

Trong những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo và có nhiều chính sách phù hợp nhằm phát triển các cụm công nghiệp (CCN), từ đó thu hút đầu tư các dự án, thúc đẩy phát triển công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Xác định việc phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, huyện Tân Sơn đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào CCN. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, nhờ triển khai các chính sách ưu đãi đã tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển CCN. Từ chỗ “trắng” doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đến nay toàn huyện đã có trên 900 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhất là khi CCN Tân Phú với quy mô 45ha đi vào hoạt động từ năm 2017, đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện. Hiện nay CCN Tân Phú có 3 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất với tỷ lệ lấp đầy 30,4%. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong CCN đạt 110 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 800 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Cơ sơ chế biến gỗ tại Công ty cổ phần Gemmy Tân Sơn cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ)
Cơ sơ chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Gemmy Tân Sơn cụm công nghiệp Tân Phú, huyện Tân Sơn (Phú Thọ).

Ông Phan Công Thắng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Gemmy Tân Sơn (CCN Tân Phú) chuyên sản xuất, sơ chế gỗ cho biết: Chúng tôi chọn địa bàn huyện Tân Sơn để đầu tư xây dựng nhà máy bởi ở đây có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, thuận lợi cho quá trình sản xuất. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư sản xuất và trong gần 4 năm hoạt động tại đây, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền và ngành chức năng của huyện… Để chủ động cho quá trình sản xuất, thời gian tới Công ty tiến hành triển khai chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gỗ và đã được UBND huyện chấp thuận thực hiện nghiên cứu, xây dựng vùng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) trên địa bàn huyện.

Giống như Tân Sơn, huyện Yên Lập cũng là địa phương miền núi điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, phát huy thế mạnh về tài nguyên, đất đai, lao động, thời gian qua, huyện Yên Lập đã có nhiều nỗ lực trong quy hoạch, xây dựng các CCN, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh. 

Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam, Chi nhánh Phú Thọ cụm công nghiệp Yên Lập tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động
Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam, Chi nhánh Phú Thọ cụm công nghiệp Yên Lập tại huyện Yên Lập (Phú Thọ) tạo công ăn việc làm cho gần 500 lao động.

Ông Hoàng Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm phát triển CCN và công trình công cộng huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 CCN với 3 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động. Thực hiện chủ trương tăng cường phát triển công nghiệp trên địa bàn, huyện quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư về mọi mặt, nhất là bảo đảm an ninh trật tự để các doanh nghiệp trong CCN yên tâm sản xuất, kinh doanh. Ngoài khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào một số ngành mà tỉnh đang thu hút, ít ảnh hưởng đến môi trường như: May mặc, điện tử, công nghệ sinh học…, huyện Yên Lập cũng chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống là thế mạnh của địa phương như: Chế biến nông lâm sản, khai thác đá, chế biến gỗ…

Theo quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 28 CCN với diện tích là 1.100ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 21 CCN được thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.076ha. Trong đó, số diện tích các CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng là 676ha; tỷ lệ lấp đầy CCN đạt trên 51%. Tổng số dự án đăng ký là 134 dự án với tổng số vốn đăng ký là 6.500 tỷ đồng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các doanh nghiệp trong CCN vẫn nỗ lực duy trì, ổn định hoạt động sản xuất; giải quyết việc làm cho gần 15.000 lao động và đóng góp vào ngân sách 650 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Để thúc đẩy phát triển các CCN trên địa bàn, tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về các CCN trên địa bàn tỉnh nhằm cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các thủ tục hành chính thuận lợi cho các doanh nghiệp. Đồng thời trình Bộ Công Thương cho ý kiến mở rộng, điều chỉnh quy hoạch các CCN; thành lập hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng các CCN trên địa bàn. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Phú Thọ đã lựa chọn được 4 nhà đầu tư hạ tầng cho 4 CCN với tổng mức đầu tư dự kiến trên 1.500 tỷ đồng.

Hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ; các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước được quan tâm xây dựng. Đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý môi trường, giám sát, kiểm tra vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải của các doanh nghiệp được chú trọng thực hiện.

Cùng với đầu tư hạ tầng CCN, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn. Các thủ tục hành chính được rút gọn; các chính sách mềm về ưu đãi đầu tư, thuế được công bố áp dụng công khai… Từ đó thu hút nhiều dự án, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng 0,39% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 31,% cơ cấu kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sự hình thành và phát triển các CCN có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, dịch vụ, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ. Ðặc biệt, tại địa bàn nông thôn, CCN đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao đời sống của người dân. Để phát triển các CCN theo hướng hiệu quả và bền vững, thời gian tới tỉnh Phú Thọ chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN; hoàn thiện, nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nâng cao khả năng kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng của cả nước.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, hiệu quả sử dụng đất và tuân thủ quy định của pháp luật, nhất là phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư phát triển CCN.

PV