Phú Thọ: Chủ động ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất

21:25 11/10/2021

Ngày 11/10/2021, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu (PCTT&TKCN) tỉnh Phú Thọ ban hành Văn bản số 37/BCH-VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa, lũ và sạt lở đất.

Mưa lớn khiến nhiều đập tràn ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ngập sâu
Mưa lớn khiến nhiều đập tràn ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) ngập sâu.

Theo đó, từ 20 giờ 00 ngày 9/10 đến 7 giờ 00 ngày 11/10/2021, do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa to đến rất to, trong đó một số nơi mưa rất to như: Huyện Thanh Sơn (Tân Minh: 247mm, Lương Nha: 195mm); Yên Lập (Phúc Khánh: 124mm, Xuân Thủy 100mm, Mỹ Lương 101mm); Tân Sơn (Thu Cúc: 114mm, Thạch Kiệt 84mm); Thanh Thủy (Phượng Mao: 117mm); Tam Nông (Dị Nậu 94mm); Lâm Thao là 92mm; thành phố Việt Trì là 109mm; Cẩm Khê là 71mm; Hạ Hòa (Đại Phạm: 67mm).

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, trong ngày 11/10/2021 trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 30 - 70mm, có nơi trên 80mm; trên các sông suối trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1 - 4m. Trong đợt lũ này mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại trạm Ấm Thượng (huyện hạ Hòa) và trên sông Bứa tại huyện Thanh Sơn có khả năng lên mức Báo động I đến Báo động II; cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó đợt mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành, thị, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Phú Thọ khẩn trương chỉ đạo, triển khai một số nội dung cụ thể như sau:

Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các xã, phường, thị trấn và người dân chủ động các phương án phòng tránh mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven ta luy đồi, núi; có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Triển khai lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, khu vực thường bị ngập lụt, chia cắt và các bến đò, ngầm, tràn qua sông, suối, ngòi; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, các hồ chứa và hạ du; đặc biệt là các hồ chứa thủy lợi xung yếu, chủ động hạ thấp mực nước hồ đến mức an toàn; bố trí lực lượng thường trực để vận hành các cống dưới đê sông, đê ngòi, các trạm bơm tiêu để đảm bảo ngăn lũ và tiêu úng kịp thời bảo vệ sản xuất.

Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 tại các khu vực sơ tán phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (thông qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh).

PV