Phú Thọ: Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn

12:06 09/10/2021

Thời gian qua, Phú Thọ đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn. Từ đó, tạo sự chủ động về nguồn vốn, có quyết định chủ trương đầu tư đúng, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cắt khúc. Đồng thời, đảm bảo công khai, minh bạch trong phân bổ vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công trên địa bàn.

Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ngòi Giành tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đã hoàn thành các hạng mục chính
Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ngòi Giành tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đã hoàn thành các hạng mục chính.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt trên 27.700 tỉ đồng. Vốn kế hoạch đã giao thuộc nguồn ngân sách tỉnh quản lý là trên 17.700 tỉ đồng; ước giải ngân kế hoạch trung hạn đến hết năm 2020 (bao gồm cả số vốn kéo dài giải ngân trong năm sau) đạt trên 16.680 tỉ đồng, chiếm 94,2%. Đây là lần đầu tiên kế hoạch đầu tư công trung hạn được đánh giá là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hằng năm.

Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, tỉnh đã nghiên cứu, ban hành nhiều chương trình, nghị quyết triển khai. Công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn được thực hiện bảo đảm đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của HĐND các cấp, đồng thời gắn trách nhiệm trong từng khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng, triển khai thực hiện dự án. Phương thức phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đã có bước đổi mới gắn với thực hiện khâu đột phá về đầu tư hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Nhờ đó, số lượng dự án đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm 1/3 so với giai đoạn 2011 - 2015. Việc điều hành kế hoạch ngân sách hằng năm, điều chuyển nội bộ nguồn vốn kế hoạch được thực hiện kịp thời, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quy trình, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định.

Công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu được quản lý chặt chẽ, các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư cơ bản đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, khả năng cân đối vốn; quá trình thực hiện các bước từ khâu khảo sát, tư vấn thiết kế, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu đúng quy trình, quy định của pháp luật. Hoạt động quyết toán dự án hoàn thành có chuyển biến tích cực, các dự án tồn đọng lâu năm đã được giải quyết, số dự án chưa quyết toán giảm đáng kể. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã bố trí vốn ưu tiên để xử lý nợ xây dựng cơ bản từ năm 2014 về trước đúng theo yêu cầu; chỉ đạo các cấp ngân sách ưu tiên bố trí trả nợ, hạn chế tối đa các công trình, dự án khởi công mới.

Hiệu quả đầu tư từng bước cải thiện, cơ bản khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả. Cơ cấu huy động vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, tỉ trọng vốn đầu tư Nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ 32,9% giai đoạn 2011 - 2015 xuống 20,3%, phù hợp với định hướng giảm đầu tư công và tăng tỉ trọng đầu tư tư nhân. 

Thi công đường giao thông nông thôn tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy
Thi công đường giao thông nông thôn tại thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy.

Việc sử dụng hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng lực thu hút đầu tư của tỉnh.

Đối với đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND về kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách  nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tổng số vốn các chương trình, dự án là 14.780.674 triệu đồng, bao gồm: Vốn đầu tư ngân sách Trung ương là 6.969.874 triệu đồng, phân bổ vốn trong nước 6.747.796 triệu đồng, vốn nước ngoài (ODA) là 222.078 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương địa phương là 7.810.800 triệu đồng.

Thứ tự ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công trung hạn được tính toán theo: Vốn để hoàn trả vốn ứng trước kế hoạch nhưng chưa có nguồn để hoàn trả trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư; vốn cho dự án đã hoàn thành, quyết toán và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; vốn thực hiện các dự án sử dụng ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; vốn để thực hiện nhiệm vụ quy hoạch; quản lý, đo đạc đất đai, vốn chuẩn bị đầu tư để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án; đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; vốn cho dự án khởi công mới cấp tỉnh theo ngành, lĩnh; vốn hỗ trợ cấp huyện để bố trí các công trình, dự án theo tiêu chí, định mức.

Đồng chí Trịnh Thế Truyền -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đối ngoại, các dự án giao thông liên vùng, tác động lan tỏa kết nối các khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển hạ tầng du lịch, văn hóa xã hội trọng điểm, hạ tầng đô thị…

Để đảm bảo nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 phát huy hiệu quả, ngay từ đầu năm 2021, UBND tỉnh tích cực chỉ đạo các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm. Bởi đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất tác động trực tiếp đến công tác triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, Phú Thọ sẽ kiên quyết chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi để tập trung đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng khác; cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn đối với những dự án chậm tiến độ, tránh xảy ra lãng phí nguồn lực đầu tư, chậm tiến độ giải ngân theo kế hoạch hằng năm.

PV