Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

06:42 18/01/2021

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia tại cuộc họp về Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Từ đó làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền phê duyệt để hoàn thiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025, gắn với chiến lược phát triển ngành Đường sắt, trình Thủ tướng trong quý I/2021.

kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam
Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về Đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung thu gọn đầu mối các đơn vị trực thuộc, khắc phục tình trạng chồng chéo bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với đường sắt.

Cùng đó, cần rà soát việc hợp nhất Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn theo hướng chuyên môn hóa, tiến tới tách riêng vận tải hàng hóa khỏi vận tải hành khách.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ yêu cầu thực tiễn về việc thành lập đơn vị trực thuộc để khai thác quỹ đất nhà ga và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm khai thác tốt các quỹ đất đường sắt. Vấn đề phát triển, xây dựng các kho bãi hàng hóa và nâng cấp, xây dựng các nhà ga hành khách thành trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê theo đúng quy định tại Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017.

Cùng đó, tập trung nâng cao năng lực cơ khí bảo đảm cơ khí đường sắt phải làm chủ công nghệ đóng mới toa xe, đầu máy, hạn chế phụ thuộc vào nước ngoài để góp phần giảm giá thành vận tải. Ngoài ra, cần nghiên cứu việc nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc để phát triển vận tải liên vận quốc tế.

Đại dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung đã tác động nặng nề tới đường sắt, phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải

Đại dịch Covid-19 và lũ lụt ở miền Trung đã tác động nặng nề tới đường sắt, phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải. (Ảnh: minh hoạ, nguồn CĐĐSVN)

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.

Về vấn đề đổi mới cơ chế khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thực hiện theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng và khai thác theo phương thức không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp đến hết năm 2025, hoặc đến hết năm 2030 theo quy định tại Nghị định.

Trong thời gian này, tổ chức xác định những giá trị tài sản phù hợp như khu ga, một số tuyến đường sắt để tiến hành giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật. Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế khai thác quỹ đất nhà ga, kho hàng để phát triển nguồn lực và giảm chi phí logistics…

Số liệu thống kê 3 năm 2017, 2018 và 2019 cho thấy thị phận vận tải hành khách lần lượt là 2,00%; 1,71% và 1,29%; thị phần vận tải hàng hóa lần lượt là 1,33%; 1,30% và 1,04%, vận tải liên vận quốc tế chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2021 của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Chủ tịch Vũ Anh Minh cho biết, sẽ tái cơ cấu, sắp xếp lại toàn Tổng công ty, dù điều này rất khó khăn và không ai muốn. Khi tái đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ, sản phẩm dịch vụ vẫn không thành công, thì buộc phải tái cơ cấu nhân sự, tổ chức. Đề án tái cơ cấu VNR đã được báo cáo Chính phủ, trong đó một số nội dung tái cơ cấu sẽ được tách ra thực hiện trong năm 2021, trọng tâm là sắp xếp lại đơn vị vận tải, thu gọn đơn vị phụ thuộc, với mong muốn cuối cùng là giảm chi phí, giảm giá thành, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực và tài sản hiện có.

Bảo Ngân