Phát triển thị trường bán lẻ ở Phú Thọ

08:53 15/02/2023

Những năm qua, các địa phương trong tỉnh Phú Thọ đã linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. 

Năm 2022, doanh thu bán lẻ trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 37.000 tỉ đồng. Số dân khu vực nông thôn chiếm khoảng 80% dân số toàn tỉnh, thu nhập của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, giúp thu hẹp khoảng cách đời sống giữa thành thị và nông thôn. Vì vậy, bán lẻ ở khu vực nông thôn còn nhiều dư địa phát triển.

Hiện nay, ở nông thôn, mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tự chọn ra đời với nhiều lợi thế như thanh toán nhanh, hàng hóa đa dạng, không gian mua sắm hiện đại và nổi trội hơn cả là việc minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, giá sản phẩm ổn định. Vì vậy, hình thức này đã thu hút được một lượng khách hàng lớn, góp phần không nhỏ trong phát triển thương mại.

Trước sự phát triển của các loại hình kinh doanh thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân bán lẻ trên địa bàn tỉnh đang tích cực ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu mua sắm mới của người tiêu dùng. Các doanh nghiệp phân phối, hộ kinh doanh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận và áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại di động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ông Huỳnh Nguyên Hà - Giám đốc Siêu thị Co.opmart Việt Trì cho biết: Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food đi vào hoạt động góp phần khai thác hiệu quả thị trường bán lẻ khu vực nông thôn. Cửa hàng phân phối hiệu quả các sản phẩm chất lượng với giá cả bình ổn có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tươi ngon, an toàn khi đến tay người tiêu dùng.

Từng bước ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, nhiều siêu thị mini, cửa hàng đầu tư máy tính, máy quét mã vạch để tính tiền cho khách, sử dụng phần mềm để quản lý hàng hóa. Các cửa hàng còn thường xuyên cập nhật sản phẩm bán online và giao tận nơi theo yêu cầu của khách. Đồng thời triển khai nhiều biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt như quẹt thẻ, chuyển khoản, thanh toán bằng mã QR... dần làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong quá trình thanh toán của người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn.

Hình thức bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn góp phần thúc đẩy văn minh thương mại. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng của các đơn vị, cửa hàng bán lẻ cũng như sự thích ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng đã và đang tạo hiệu ứng tốt cho thị trường khu vực nông thôn.

P.V