Phát huy thế mạnh ngành logistics tại Bình Dương

09:40 03/07/2024

Môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Bình Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tại tỉnh đã tăng nhanh về cả số lượng và quy mô, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.

Bình Dương đang nỗ lực phát huy thế mạnh của ngành logistics bằng cách triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tỉnh tập trung đầu tư vào các tuyến giao thông quan trọng, nâng cấp cảng thủy nội địa, đường sắt và hệ thống kho bãi. Tất cả đều được quy hoạch và xây dựng hợp lý, có khả năng kết nối với các cảng biển, cảng sông, nhà ga và sân bay quốc tế trong khu vực, nhằm đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, Bình Dương đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu tại tỉnh đã tăng nhanh về cả số lượng và quy mô, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Để giúp các doanh nghiệp nắm rõ quy định hải quan, Cục Hải quan Bình Dương thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại và làm việc với doanh nghiệp để lắng nghe và giải quyết khó khăn. Ngành hải quan cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp khi làm thủ tục.

Bình Dương nỗ lực phát huy thế mạnh ngành logistics
Bình Dương nỗ lực phát huy thế mạnh ngành logistics.

Cục Hải quan Bình Dương đã phối hợp với Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc và Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp năm 2024. Từ các hội nghị này, Cục tiếp tục thúc đẩy phương châm “Hải quan luôn sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp”, với nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, tăng cường tham vấn và đối thoại để tăng tính minh bạch và giảm chi phí không chính thức.

Hiện tại, Cục Hải quan Bình Dương đang giải quyết thủ tục cho khoảng 4.000 doanh nghiệp tại 30 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp trên địa bàn. Đến ngày 31-5-2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại tỉnh đạt 23,7 tỷ USD, tăng 6,76% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 9,5 tỷ USD, tăng 5,55%; kim ngạch xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,58%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh là gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, da giày, điện tử, hạt nhựa và máy móc thiết bị phụ tùng.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và hiệp hội ngành hàng để nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, đồng thời thực hiện các giải pháp đổi mới sáng tạo trong hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu là tạo môi trường xuất nhập khẩu thuận lợi, an toàn và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh:

Giai đoạn 2022-2025: 100% trung tâm lớn sẽ đạt cấp độ trên mức 5PL (ELogistics - Logistics trên nền thương mại điện tử). Hình thành hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính kết nối với tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4.

Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm vệ tinh của khu vực Đông Nam bộ, là nơi tập kết hàng, tập trung các dịch vụ logistics phục vụ các hoạt động sản xuất hàng hóa tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ trong nước và nước ngoài...

Vân Nguyễn