Phải điều chỉnh canh tác sầu riêng để giảm hấp thụ cadimi

20:50 01/04/2024

Về 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông - Cục Bảo vệ thực vật thông tin, số sầu riêng phát hiện bị nhiễm chất cadimi có thể xuất phát từ khâu trồng trọt.

Chiều 1/4, tại buổi họp báo cung cấp thông tin kết quả quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024, một trong những vấn đề báo chí quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) là vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Liên quan tới vụ việc này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Phải điều chỉnh canh tác sầu riêng để giảm hấp thụ cadimi
Phải điều chỉnh canh tác sầu riêng để giảm hấp thụ cadimi.

Liên quan đến sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị cảnh báo, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - thông tin, số sầu riêng bị phát bị nhiễm chất cadimi có thể xuất phát từ khâu trồng trọt bởi cadima là chất thường có trong phân bón hóa học và tồn tại trong thành phần của phân bón chứa lân, Cu và Zn hoặc có sẵn trong thành phần của khoáng chất hoặc được đưa thêm vào như một nguồn vi dinh dưỡng cho cây trồng và vật nuôi.

Ngoài ra, trong quá trình sơ chế, làm sạch sau thu hoạch có thể doanh nghiệp dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc sử dụng hóa chất có cadimi. Hiện Cục đề nghị các địa phương vào cuộc xác định nguyên nhân cụ thể, chất này nằm trong phân bón, hoặc thuốc bảo vệ thực vật loại gì để giảm ngay việc sử dụng.

“30 lô hàng sầu riêng bị phát hiện không phải là phía Trung Quốc phát hiện cùng 1 lúc và thông báo ngay mà đây là số liệu tổng hợp được Trung Quốc thông báo lại kể từ khi Việt Nam xuất khẩu lô sầu riêng đầu tiên sang thị trường này (17/9/2022)”, ông Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ và cho biết, với thông báo này mặc dù chưa ảnh hưởng gì để việc xuất khẩu, tuy nhiên, đây là những cảnh báo để phía Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân và điều chỉnh, tránh lặp lại trong thời gian tới.

Để đảm bảo uy tín, Cục đã đề nghị các doanh nghiệp có lô hàng vi phạm thu hồi và xử lý các lô hàng vi phạm, đồng thời rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu, khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn tránh tái diễn vi phạm.

Trước khi xác định nguyên nhân từng trường hợp để đưa ra khuyến cáo, về tổng thể, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị các đơn vị sản xuất cần điều chỉnh vật tư đầu vào, sử dụng hóa chất có hàm lượng cadimi thấp; điều chỉnh 1 số biện pháp canh tác để giảm hấp thụ cadimi;…. Và vấn đề quan trọng, theo ông Hiếu, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra chất lượng, trong đó có hàm lượng cadimi, từ đó, hạn chế tối đa rủi ro trước khi xuất khẩu.

PV (t/h)