OpenAI phải đối diện với cuộc chiến pháp lý về vấn đề bản quyền

23:00 06/07/2023

Khiếu nại ước tính rằng dữ liệu đào tạo của OpenAI đã kết hợp hơn 300.000 cuốn sách, bao gồm cả từ các nguồn cung cấp bất hợp pháp các đầu sách có bản quyền.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Hai tác giả Mỹ mới đây đã kiện OpenAI tại tòa án liên bang San Francisco, khi cho rằng công ty này đã sử dụng các tác phẩm của họ để “huấn luyện” hệ thống trí tuệ nhân tạo phổ biến ChatGPT mà không cho phép.

Các nhà văn Paul Tremblay và Mona Awad cho biết ChatGPT đã khai thác dữ liệu được sao chép từ hàng nghìn cuốn sách mà không được phép, vi phạm bản quyền của tác giả.

Cụ thể, hai tác giả cáo buộc rằng dữ liệu đào tạo của OpenAI sử dụng "nhiều" tài liệu có bản quyển, bao gồm các tác phẩm của Tremblay và Awad. Tuy nhiên, khó có thể chứng minh được một cách chính xác liệu các tác giả chịu thiệt hại tài chính như thế nào từ hoạt động như vậy của ChatGPT.

Matthew Butterick, luật sư của các tác giả kể trên hiện từ chối bình luận các vấn đề liên quan còn đại diện của OpenAI cũng đang im lặng về vụ việc.

ChatGPT đã trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử vào đầu năm nay, đạt 100 triệu người dùng tích cực vào tháng 1 chỉ hai tháng sau khi ra mắt. ChatGPT và các hệ thống AI tổng quát khác tạo nội dung bằng cách sử dụng một lượng lớn dữ liệu được thu thập từ internet.

Vụ kiện của Tremblay và Awad cho biết sách là "thành phần chính" vì chúng cung cấp "những ví dụ tốt nhất về cách viết nội dung dài chất lượng cao".

Khiếu nại ước tính rằng dữ liệu đào tạo của OpenAI đã kết hợp hơn 300.000 cuốn sách, bao gồm cả từ các nguồn cung cấp bất hợp pháp các đầu sách có bản quyền

Awad được biết đến với các tiểu thuyết bao gồm "13 cách nhìn một cô gái mập" và "Bunny". Các tiểu thuyết của Tremblay bao gồm "The Cabin at the End of the World", được chuyển thể thành phim "Knock at the Cabin" của M. Night Shyamalan phát hành vào tháng Hai.

Vụ kiện nhằm tìm kiếm một khoản tiền bồi thường thiệt hại có thể sẽ thay mặt cho một nhóm chủ sở hữu bản quyền trên toàn quốc có tác phẩm đã bị sử dụng để đào tạo AI không đúng với quy định.

Tờ The Guardian dẫn lời Andres Guadamuz, người nghiên cứu mảng luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex, cho biết đây là vụ kiện đầu tiên đối với ChatGPT liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ông Guadamuz cho rằng vụ kiện này sẽ làm bộc lộ "những ranh giới pháp lý" không rõ ràng trong quá trình sử dụng các ứng dụng AI tạo sinh hiện nay.

Theo công bố mới đây từ công ty phân tích Similarweb, trong tháng 6 vừa qua, ChatGPT – công cụ chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo của OpenAI đã lần đầu chứng kiến sự sụt giảm về lưu lượng truy cập hằng tháng kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Cụ thể, lưu lượng truy cập từ máy tính để bàn và thiết bị di động trên toàn thế giới vào trang web của ứng dụng này đã giảm 9,7% so tháng 5, trong khi số lượng người truy cập giảm 5,7%. Thời gian khách truy cập ở lại trang web cũng giảm 8,5%.

Phương Minh (T/h)