Nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức

16:07 11/03/2021

Bộ Nông nghiệp Đức vừa phát đi thông tin cho biết Việt Nam và một số quốc gia khác đã nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn của Đức, vốn đã áp đặt trước đó do Đức phát hiện có dịch tả lợn Châu Phi (ASF).

Trong thông báo mới nhất, Bộ Nông nghiệp Đức cho biết, nước này đã thành công trong việc thúc đẩy những thỏa thuận về xuất khẩu thịt lợn, trong đó các nhà nhập khẩu chỉ ngừng nhập từ khu vực có phát hiện thấy trường hợp có dịch tả lợn châu Phi, thay vì cấm nhập từ toàn bộ nước Đức. 

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp Đức cho hay, Đức đã đạt được một thỏa thuận như vậy với Việt Nam và Đức đã có thể xuất khẩu thịt lợn tươi sang Việt Nam trở lại.

Tương tự, sau các cuộc đàm phán chuyên sâu, Singapore cũng đã đồng ý về việc chỉ cấm nhập khẩu thịt lợn theo từng khu vực. Canada và Bosnia - Herzegovina cũng đã đồng ý nhập khẩu thịt lợn từ các khu vực không có dịch tả lợn châu Phi của Đức.

Trong khi đó, Thái Lan đã không mở rộng lệnh cấm nhập khẩu, theo đó các công ty đã đăng ký kinh doanh trước đó vẫn có thể tiếp tục xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Đức đã bắt đầu nộp đơn chính thức đề xuất Thái Lan mở cửa hoàn toàn cho thịt lợn Đức.

Tuy nhiên, cho đến nay, Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Đức trong mặt hàng thịt lợn, vẫn chưa nới lỏng lệnh cấm nhập.

Trong khi nhiều nước châu Á cấm nhập khẩu thịt lợn Đức thì Đức vẫn được phép xuất khẩu mặt hàng này sang EU. Các nước EU khác đã tăng cường xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, và doanh thu từ xuất khẩu mặt hàng này của Đức sang châu Âu tăng.

Trước đó, tháng 9/2020, các khách hàng châu Á cùng nhiều khách hàng khác đã đồng loạt cấm nhập khẩu thịt lợn Đức sau khi Đức phát hiện có ca ASF đầu tiên ở xác động vật hoang dã. Việc cấm đó đã khiến giá thịt lợn ở Trung Quốc và nhiều nước khác tăng mạnh, đồng thời làm cho giá thịt lợn của Đức giảm trong khi đẩy chi phí ngành thịt lợn của nước này tăng cao.

Châu Á chiếm khoảng 70% tổng xuất khẩu thịt lợn của Đức, trị giá trên 2 tỷ EUR trong năm 2019.

Theo Cơ quan Thống kê liên bang Destatis, Đức là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất châu Âu. Việc xác nhận nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở Đức có nghĩa là thịt lợn nước này tạm thời không còn được chứng nhận để xuất khẩu sang các quốc gia không thuộc EU, mặc dù việc xuất khẩu sang các quốc gia EU khác có thể tiếp tục.

Thị trường châu Á chiếm khoảng 25% lượng thịt lợn xuất khẩu của Đức, trong đó riêng Trung Quốc chiếm 17% lượng thịt lợn mà Đức xuất khẩu bên ngoài châu Âu. Tỷ lệ này của Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt là 4% và 3%.

TH