Những Thông tin, Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới nhất

00:00 12/10/2020

Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không; Kiểm tra phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" tại Hà Nội; Nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận tải; Sửa Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT...là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới nhất.

Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.

Nghị định này quy định về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không quy định tại khoản 1 Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29/6/2006.

Theo Nghị định, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách.

Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.

Kiểm tra phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" tại Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Báo điện tử Diễn đàn Doanh nghiệp ngày 19/8/2020 có bài viết: "Đất vàng" - Vì đâu mãi một điệp khúc... "bỏ hoang"? có phản ánh nội dung: Hiện có tới hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất... Đây không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại lại là điệp khúc không hồi kết...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung Báo phản ánh trên.

Nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận tải

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các bất cập, khó khăn của sàn giao dịch vận tải; có giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận tải.

Báo Sài Gòn Giải Phóng điện tử ra ngày 20/8/2020 có bài về việc “Khó kéo giảm chi phí vận tải, tại sao?” phản ánh việc giảm tỷ lệ xe chạy rỗng là yếu tố quan trọng giúp giảm chi phí vận tải nhưng vẫn là bài toán rất nan giải.

Về vấn đề nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các bất cập, khó khăn của sàn giao dịch vận tải; có giải pháp nâng cao hiệu quả, giảm chi phí vận tải, nhất là vận tải hàng hóa và trả lời cho Báo Sài Gòn Giải Phóng biết.

Sửa Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1310/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, sửa đổi khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 3/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, duy trì 14 ban quản lý dự án (quy định cũ 17 ban quản lý dự án) gồm:

- 10 đơn vị trực thuộc Bộ: Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 6, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Ban Quản lý dự án Hàng hải, Ban Quản lý các dự án Đường thủy, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

- 4 đơn vị trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Ban Quản lý dự án 3, Ban Quản lý dự án 4, Ban Quản lý dự án 5, Ban Quản lý dự án 8.

Các ban quản lý dự án hoạt động theo cơ chế đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên.

Giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục duy trì các ban quản lý dự án như giai đoạn đến năm 2020.

Thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Theo quyết định, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Ban Quản lý) là đơn vị sự nghiệp công lập và là Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý dự án, tư vấn quản lý dự án và chủ đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự bảo đảm chi thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận.

Thái Nguyên làm rõ đơn tố cáo của DN và phản ánh của báo chí

Ngày 27/8, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Thái Nguyên sớm làm rõ thông tin báo chí nêu và đơn tố cáo của Công ty cổ phần Yên Phước.

Văn bản nêu rõ: Công ty cổ phần Yên Phước (địa chỉ tại xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), có đơn tố cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tố cáo một số vi phạm của các ông: Lê Kim Phúc (Bí thư Huyện ủy Đại Từ), Phạm Quang Anh (Chủ tịch UBND huyện Đại Từ) và Lê Thanh Sơn (Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ) gây khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Đồng thời, Báo Thanh tra cũng có một số bài viết phản ánh một số vấn đề liên quan đến nội dung tố cáo nêu trên.

Về việc này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến như sau: Đề nghị Tỉnh ủy Thái Nguyên xem xét, giải quyết các nội dung đơn tố cáo của Công ty cổ phần Yên Phước đối với Bí thư Huyện ủy Đại Từ theo thẩm quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo kiểm tra, làm rõ các nội dung đơn tố cáo của Công ty cổ phần Yên Phước đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ và phản ánh của báo chí về các vấn đề liên quan để giải quyết theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 1/11/2020./.

PV