NHNN: 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã có vốn sẵn sàng cho vay

23:14 07/05/2023

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 NHTM nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi địa phương công bố dự án.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 25/04, tín dụng tăng 2,75% so với cuối năm 2022. Tín dụng tăng chậm do sức hấp thụ vốn thấp, bởi lẽ các doanh nghiệp không có đầu ra, đơn hàng giảm dẫn đến nhu cầu vay vốn giảm. Hoặc có những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng do suy yếu trong thời gian chịu tác động bởi Covid-19 nên không đủ điều hiện vay vốn. Tín dụng bất động sản gặp khó khăn chủ yếu do yếu tố pháp lý nên tăng không cao như thời gian trước đây (tín dụng bất động sản tăng 3,51%).

Đối với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, NHNN đã có văn bản hướng dẫn các ngân hàng, 4 NHTM nhà nước đã chuẩn bị vốn để sẵn sàng cho vay khi các địa phương công bố các dự án (Bộ xây dựng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về tiêu chí, điều kiện để xác định dự án).

4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã có vốn sẵn sàng cho vay
4 ngân hàng thương mại Nhà nước đã có vốn sẵn sàng cho vay.

Về tỷ giá và thị trường ngoại hối, NHNN theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành trên cơ sở kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ với điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm. Kết quả cho thấy về cơ bản, tỷ giá được ổn định, NHNN mua khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN đưa tiền ra nền kinh tế cùng với các kênh khác của chính sách tiền tệ.

Theo Thống đốc, cần có giải pháp để khai thác cầu nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục thuộc rất lớn vào xuất khẩu (cầu nước ngoài, tỉ lệ xuất khẩu/GDP gần 100%) nên trong điều kiện các nước vẫn còn thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thì khả năng cải thiện cầu nước ngoài không thể nhanh được.

Số liệu cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, loại trừ giá tăng 8,3% trong khi 4 tháng năm 2022 chỉ tăng 3.9% (khách quốc tế đến Việt Nam tăng 19,2 lần cùng kỳ năm ngoái). Đây là yếu tố giúp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian qua và cần được quan tâm khai thác cầu nội địa.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho rằng, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần hài hòa với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, tín dụng tăng chậm không chỉ ở Việt Nam; khi các ngân hàng Mỹ sụp đổ, lan sang châu Âu, các ngân hàng tại nhiều quốc gia cũng thận trọng hơn khi cho vay, để đảm bảo thanh khoản, sẵn sàng chi trả cho người gửi tiền.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ chính thức được 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước triển khai.

Dù đánh giá cao gói 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, với người mua nhà ở xã hội, lãi suất 8,2%/năm vẫn quá cao so với khả năng chi trả.

Hơn nữa, với lãi suất cho vay đối với nhà ở xã hội thấp hơn 1,5-2%/năm lãi suất cho vay trung, dài hạn và thay đổi 6 tháng một lần, người vay mua nhà sẽ gặp nhiều rủi ro nếu lãi suất thương mại tăng, chưa kể thời gian ưu đãi quá ngắn, chỉ kéo dài 5 năm.

P.V (t/h)