Kinh tế Việt Nam nỗ lực vượt khó

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, dự báo tăng trưởng thấp trong năm nay. Theo dự báo của Liên hợp quốc vào tháng 6/2023, tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 3,1% năm 2022 xuống 2,3% năm 2023 và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro (xung đột Nga - Ukraina kéo dài, sự sụp đổ của một số ngân hàng ở Mỹ và Thụy Sỹ).

Ảnh minh họa
Tiếp tục nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%. Ảnh: TL.

Trong bối cảnh nêu trên, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra kịp thời, đúng hướng, hiệu quả. Các bộ, ngành linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, quyết đoán, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Tín hiệu tích cực đáng ghi nhận là có hơn 7.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 6. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, tăng 215% so với cùng kỳ năm 2022, cho thấy tình hình doanh nghiệp cũng đã có những chuyển biến nhất định.

Nhờ vậy, bước đầu cho thấy kinh tế Việt Nam đang từng bước vượt khó. Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại và các quốc gia đang lo ngại suy giảm kinh tế, thì mức GDP quý II đạt 4,14% so với cùng kỳ, đưa tăng trưởng kinh tế Việt Nam nửa đầu năm đạt 3,72% là kết quả tích cực, thể hiện được sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Ghi nhận những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đánh giá, 6 tháng đầu năm nay, tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 3,72%. Dù mức tăng chưa đạt được như mong muốn, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đã có những dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến.

Tiêu dùng nội địa là điểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt trong suốt thời gian qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng là động lực cho nền kinh tế, thị trường nội địa là điểm tựa cho doanh nghiệp trong những lúc thị trường bên ngoài biến động.

"Tiêu dùng trong nước vẫn tiếp tục là trụ cột phát triển kinh tế, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Người tiêu dùng cũng rất hào hứng tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước" - bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Đồng bộ các giải pháp khích thích tăng trưởng kinh tế

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% đòi hỏi tăng trưởng GDP trong 6 tháng cuối năm phải đạt con số 9%. Đây là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho biết, VEPR, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2023 đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng GDP trong năm 2023.

Ở kịch bản thấp, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2023 chỉ đạt mức 5,5%. Ở kịch bản cơ sở, tốc độ tăng GDP sẽ là 6%. Còn với kịch bản cao, tốc độ tăng GDP năm 2023 là 6,5%.

Ảnh minh họa
Chính sách tài khóa, giảm thuế GTGT, thuế, phí, tiền thuê đất thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023. Ảnh: TL.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 như Quốc hội đề ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp khích thích tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Cũng theo TS. Nguyễn Quốc Việt, có 3 yếu tố giúp kinh tế phục hồi cần triển khai đồng bộ. Thứ nhất là chính sách hỗ trợ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là một trong những nền tảng rất tốt để giúp khôi phục lòng tin của thị trường, nhà đầu tư và tiêu dùng trong nước. Với sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô thì Việt Nam mới có nền tảng khiến cho lòng tin của thị trường quay lại.

Vốn đầu tư nước ngoài cấp với tăng hơn 31% Trong khi nền kinh tế thế giới suy giảm thì Việt Nam vẫn giữ được các nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan vào kinh tế Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới 6 tháng qua đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước.

Yếu tố thứ hai là sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành từ trung ương đến địa phương để giải quyết các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, trước hết là những vướng mắc và khó khăn về quy trình, thủ tục các điều kiện kinh doanh.

Yếu tố thứ ba đó là sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ví dụ liên quan đến việc tìm kiếm các thị trường, đơn hàng mới cũng như phục hồi tiêu dùng trong nước. Đấy cũng là một cứu cánh trong ngắn hạn để giúp cho doanh nghiệp chống chịu và có thể thích ứng, quay trở lại phục hồi sản xuất kinh doanh một cách tốt nhất.

Đề cập đến chính sách tài khóa góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cơ bản đã phát huy hiệu quả. Chính sách hỗ trợ sử dụng công cụ tài khóa đã bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh, người yếu thế…

Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cần tiếp tục triển khai trong 6 tháng cuối năm 2023, bao gồm cả thuế, phí giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới. Chẳng hạn như, giảm thuế GTGT cho hầu hết mặt hàng từ 10% xuống 8%; giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước; giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước và gia hạn thời giạn nộp các loại thuế... sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Song Linh