Nhiều Đại biểu Quốc hội trăn trở vì giá xăng, dầu leo thang!

11:27 03/06/2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội...

Nhiều đại biểu rất trăn trở!

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài cùng với các chính sách cấm vận của Nga từ Mỹ, châu Âu đã làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Uyên Hương/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: Uyên Hương/TTXVN).

Từ 15h chiều 1/6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo đó, xăng E5RON92 không cao hơn 30.235 đồng/lít (tăng 602 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Xăng RON95-III không cao hơn 31.578 đồng/lít (tăng 921 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành).

Trao đổi với báo giới bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Công Thương khẳng định, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn giá xăng thế giới. Do chênh lệch giá như vậy nên có tình trạng buôn lậu xăng dầu, xăng dầu trong nước chảy ra nước ngoài.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, nói giá xăng dầu tăng cao làm tăng giá hàng hoá, làm chương trình phục hồi kinh tế bị đổ vỡ là không sai, nhưng phải hiểu rằng nền kinh tế của nước ta có độ mở rất cao, hàng hoá làm ra chủ yếu để xuất khẩu.

Nếu ép giá đầu vào để giảm giá thành sản phẩm sẽ không phản ánh đúng giá trị thực tế; vô hình trung gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.

"Trong lúc này, để kiểm soát giá xăng dầu, một mặt phải dùng các công cụ, bao gồm cả thuế phí, tăng cường kiểm soát thị trường để giảm giá. Còn trường hợp giá tiếp tục tăng thì dùng chính sách an sinh, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế. Có như vậy mới hài hoà cả trong lẫn ngoài. Còn nếu chỉ nghiêng theo hướng ép giá thật thấp, vô hình trung gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước".

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên nếu "ép giá đầu vào" các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ.

Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Hiện nay, giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới, dẫn tới tình trạng "chảy" xăng dầu ra nước ngoài. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng chứ không nói một chiều.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng, áp lực lạm phát không quá lớn mặc dù giá xăng dầu và các nguyên liệu nhập khẩu có tăng lên.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) (Ảnh: T.Vương)

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) (Ảnh: T.Vương).

Ông cho rằng, giá xăng dầu neo ở mức như hiện nay chưa phải là nỗi đe doạ lớn cho lạm phát. Bởi xét tổng thể các yếu tố vĩ mô có thể thấy chúng ta hoàn toàn có thể kiềm chế được lạm phát ở mức dưới 4%.

“Áp lực lạm phát không phải là quá lớn bởi tổng cầu không quá cao. Sau thời gian dịch bệnh, có thể thấy nguồn tích luỹ của người dân và doanh nghiệp giảm đi rất nhiều. Tất nhiên vẫn phải thận trọng trong điều hành vĩ mô” - đại biểu Lộc nói.

Nêu ý kiến về vấn đề giá xăng, dầu leo thang trong thời gian qua, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho biết, trong bối cảnh hiện nay giá xăng dầu thay đổi rất nhanh, thay đổi từng ngày, mới đây giá xăng tiếp tục lên, khiến các đại biểu rất trăn trở.

Qua tiếp xúc cử tri, người dân rất băn khoăn, nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao kéo theo hàng loạt mặt hàng thiết yếu sẽ tăng lên, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp sau một thời gian dài chịu rất nhiều tác động của đại dịch COVID-19.

Chính vì vậy Quốc hội, Chính phủ cũng cần có giải pháp căn cơ để kiềm chế giá xăng dầu, ở đây trực tiếp là giảm các loại thuế để giảm giá xăng, giúp người dân có điều kiện, nhất là các mặt hàng chịu ảnh hưởng như cước vận tải, người dân đánh bắt thủy hải sản xa bờ…

Bà Đặng Bích Ngọc cho biết thêm, trong các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời các đại biểu tại hội trường về tác động của giảm giá xăng dầu cũng như các điều kiện để giảm giá thì cũng đòi hỏi sự vào cuộc của cả Chính phủ, Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. HCM) cho biết, ngày 26/5, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+ với mức triển vọng ổn định, ghi nhận sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ Việt Nam.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều thách thức. Đời sống người lao động, người dân, người nghèo đang gặp nhiều khó khăn do giá cả xăng dầu và một số mặt hàng tăng cao.

Những kiến nghị và giải pháp

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị giảm thuế với xăng dầu để kiểm soát giá mặt hàng này. "Chúng ta hoàn toàn có thể dùng các biện pháp giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình hồi phục và phát triển, cũng có tác dụng kiềm chế mặt bằng giá qua đó kiềm chế lạm phát. Đây là mục tiêu quan trọng" - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) nêu ý kiến: “Tôi cũng mong muốn các Bộ, ngành có đánh giá hết sức kỹ lưỡng, quan tâm để vừa tạo điều kiện tốt nhất cho người dân. Từ đó người dân được tiếp cận với nguồn xăng giá cả hợp lý cũng như giảm giá các mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên cũng cần tính toán kỹ để không làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách cũng như điều tiết chung của Chính phủ”.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Hoà Bình (Ảnh: Báo Lao động)

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Hoà Bình (Ảnh: Báo Lao động).

Còn theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), chúng ta vẫn còn dư địa để ‘kìm hãm đà tăng giá xăng dầu.

Giá xăng dầu trong nước tăng chủ yếu do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Khi giá xăng dầu tăng thì đối tượng chịu tác động lớn nhất là người dân và cả nền kinh tế. Chắc chắn phải làm thế nào đó để hạn chế tăng giá xăng dầu, thực hiện bình ổn giá xăng dầu.

"Điều đó không chỉ mang lại ổn định đời sống cho người dân mà còn thực hiện được vai trò điều hành vĩ mô của nhà nước. Đó là nhiệm vụ đặt ra, là bài toán mà Chính phủ phải tính đến", ông Cường nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh).

Để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 6-6,5% và kiểm soát lạm phát 4% trong năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng các giải pháp đồng bộ từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, trong đó lưu ý đến hai biến số quan trọng là giá xăng dầu và giá lương thực.

Trước mắt, Chính phủ cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiểm soát giá, chống đầu cơ, chống các hành vi té nước theo mưa. Đồng thời, khuyến nghị các chương trình bình ổn giá tại các địa phương, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đồng quan điểm, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, kiềm chế bình ổn giá xăng dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát. Cùng với đó phải theo dõi chặt chẽ thị trường giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp.

Theo đại biểu Cường, việc giảm các loại thuế cùng các chính sách miễn, hoãn, giảm các loại đóng góp sẽ ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, nhưng chúng ta chấp nhận việc ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Có 2 điểm chúng ta phải chú ý, thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế để điều tiết hành vi để người ta lựa chọn xem tiếp tục tiêu thụ nhiều hay lựa chọn cái khác. Trong bối cảnh chúng ta có được khả năng lựa chọn thì thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ có tác dụng tốt.

Phương Ngân (T/h)