Nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021): Nhớ những lần Bác đi bầu cử Quốc hội

23:55 18/05/2021

Năm nay, kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) cũng là dịp hàng triệu cử tri chuẩn bị cho ngày hội lớn của đất nước: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Mỗi một lần bầu cử như thế, chúng ta lại bồi hồi nhớ đến những lần Bác đi bầu cử, nhớ lại những lời căn dặn vô cùng giản dị mà sâu sắc của Người về phát huy quyền làm chủ của người dân qua mỗi lá phiếu, về trách nhiệm của người ra ứng cử.

Trong khoảng thời gian 24 năm trên cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần ứng cử đại biểu Quốc hội. 

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 (Ảnh tư liệu)
Cử tri Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I trong ngày Tổng tuyển cử 6/1/1946 (Ảnh tư liệu).

Đó là cuộc Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 bầu Quốc hội khóa I, bầu cử Quốc hội khóa II (1960 – 1964) ngày 8/5/1960, bầu cử Quốc hội khóa III (1964 – 1971) ngày 26/4/1964. Cả ba lần, Người đều ứng cử tại Thủ đô Hà Nội. Ở cương vị ứng cử viên hay cử tri, Bác đều để lại dấu ấn sâu đậm về tinh thần, trách nhiệm của một người công dân đối với đất nước.

Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, Người nói: "Từ trước đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử vì xưa chưa bao giờ làm chủ mình. Xưa, dân phải nghe lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật. Vừa rồi đây, ta mới giành được độc lập. Ta đã phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu này…". Bác lại nói: "Bây giờ làm việc nước là hy sinh, phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu…".

Tại cuộc bầu cử Quốc hội khóa II, khi tiếp xúc cử tri, Bác nói: "Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào Quốc hội khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta… Lá phiếu cử tri có một giá trị rất cao quý, nó là dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân thực sự làm chủ nước nhà…".

Trong lần tiếp xúc với nhân dân dân Thủ đô Hà Nội chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội khóa III, Bác cho biết, bản thân Người đã làm đại biểu Quốc hội gần 20 năm, nhưng vì nhiệm vụ và yêu cầu của cách mạng nên vẫn chưa thể thảnh thơi vui thú thanh nhàn được. Bác hứa: "Cố gắng phấn đấu và phấn đấu mạnh, phấn đấu cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; phấn đấu ủng hộ đồng bào miền Nam, phấn đấu cho sự nghiệp hòa bình thống nhất nước nhà".

Những lời nói mộc mạc, chân thành mà vô cùng sâu sắc ấy của Bác với cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đất nước song được đứng từ góc độ cử tri cũng như người ra ứng cử đại biểu Quốc hội qua bấy nhiêu năm tháng của lịch sử đến hôm nay vẫn thực sự lay động chúng ta. Đặc biệt, dịp kỷ niệm sinh nhật của Người năm nay trùng với dịp hàng chục triệu cử tri cả nước chuẩn bị đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Những lời căn dặn của Bác, cũng thể hiện niềm mong mỏi sâu xa của Người. Bởi theo Bác, lá phiếu cử tri có giá trị rất cao quý, là một dấu hiệu xác nhận rằng nhân dân ta thật sự làm chủ nước nhà, mỗi lá phiếu của cử tri mỗi khi đi bầu Quốc hội sẽ bầu ra được những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu thực sự một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tư tưởng, ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những lần bầu cử Quốc hội khóa I, II và III vẫn còn nguyên giá trị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Cử tri mong muốn và kỳ vọng vào những đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XV, mở đầu nhiệm kỳ đúng vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII, với trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn thử thách, hiện thực hóa khát vọng phát triển.

Để đất nước Việt Nam trong năm 2021 và cả những năm tiếp theo bao giờ cũng là: "Cờ đỏ ngôi sao bay phấp phới/Năm nay là năm rất vẻ vang", như lời Bác Hồ đã chúc và mong chờ từ năm bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quang Lộc/ Theo BCT