Nhà đầu tư bất động sản nên “xuống” tiền ở những khu vực nào thời điểm này?

10:44 12/12/2023

Nhà đầu tư bất động sản cần phải nắm bắt được các thông tin về quy hoạch hạ tầng. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng cần đánh giá được tiềm năng của khu vực dự định đầu tư.

Ảnh minh họa
Thời điểm này nên mua bất động sản ở khu vực nào? (Ảnh: Minh họa)

Đâu là thời điểm thích hợp để mua bất động sản?

Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, nhà đầu tư Nguyễn Hoàng Linh (Hoài Đức – Hà Nội) với kinh nghiệm hơn 10 năm về đầu tư bất động sản cho biết, đây là thời điểm giới đầu tư bất động sản cần phải tìm hiểu kỹ các yếu tố về tiềm năng nếu muốn đầu tư. Đặc biệt, các nhà đầu tư cần dự đoán được khả năng đô thị hóa, phát triển hạ tầng giao thông, xã hội khác…để mua vào.

Ông Linh khẳng định, thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đã bắt tay vào việc mua bất động sản sau một thời gian “ngủ đông”, nhất là những người trường vốn. Họ vẫn tích trữ được tiền và xuống tay mua vào thời điểm này.

Ông Linh cho hay, hiện ông đã quyết định “xuống tiền” để mua 3 lô đất ở khu vực ngoại thành Hà Nội, trong đó 2 lô gần với khu vực quy hoạch đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội, một lô ở Ba Vì.

“Đây là các thương vụ đầu tư cho tương lai, hi vọng trong khoảng 5 năm tới, giá trị những khoản đầu tư này sẽ “tăng tốc”, giúp tôi giải quyết được bài toán tài chính tương lai cho gia đình”, ông Linh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Thanh, một nhà đầu tư bất động sản lớn, thời gian qua đã xuống tiền mua hàng chục lô đất tại Hà Nội, TP. HCM, Khánh Hòa. Ông Thanh cho biết, đây là giai đoạn thích hợp nhất để đầu tư bởi các yếu tố về hạ tầng giúp nhà đầu tư nhìn thấy tương lai cũng như giá trị các khoản đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Thanh, hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đang triển khai sẽ giúp hệ thống giao thông tại Việt Nam kết nối tốt hơn. Do đó, việc mua vào thời điểm này tại một số khu vực vùng ven thành phố hay các khu vực lân cận khu công nghiệp, du lịch sẽ yên tâm hơn đối với các nhà đầu tư.

Chia sẻ với PV Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, ông nói: “ Tôi đã chi hơn 30 tỷ đồng để đầu tư vào hàng chục lô đất, trong đó có 3 lô đất khu vực TP. Thủ Đức, 4 Lô đất tại các khu vực vùng ven Hà Nội, 2 lô đất ven biển khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa), hi vọng với các khoản đầu tư này sẽ giúp kiếm được lợi nhuận cao trong thời gian tới”.

“Tôi có cảm nhận những khoản đầu tư này rất đúng đắn, chắc chắn sẽ thành công nhờ vào các yếu tố mới của thị trường cũng như một vài chính sách được thay đổi”, ông Thanh nói.

Nên đầu tư ở đâu?

Liên quan đến vấn đề đầu tư bất động sản thời điểm này, TS.Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế nhìn nhận: "Nếu lấy trung tâm là TP.HCM và bán kính xung quanh 100km, những nhà đầu tư bất động sản nên quên đi những nơi “đất lành chim đậu”, hãy tìm tới những nơi “đất có thóc để chim ăn”.

TS.Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế
TS.Đinh Thế Hiển, Chuyên gia kinh tế.

Nhận định về vùng đất “có thóc” trong thời gian tới, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, điều này phụ thuộc vào yếu tố thương mại dịch vụ. Theo đó, thị trường nhà đất TP.HCM và Biên Hòa và một phần nào đó là ở Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là điểm đến vô cùng hấp dẫn với giá trị thương mại cao.

Đồng quan điểm trên, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Savills khẳng định, những dự án hạ tầng mang tính liên kết vùng và phát triển đô thị đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và tăng cường sự hợp tác kinh tế, xã hội và phát triển bền vững trong một khu vực rộng lớn.

“Trong thời gian qua, TP.HCM cùng một số địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phan Thiết… triển khai nhiều dự án nhằm nâng cao khả năng liên kết vùng. Điều này gián tiếp tạo động lực cho sự phát triển của toàn thị trường bất động sản miền Nam”, ông Khương chia sẻ.

Theo TS. Sử Ngọc Khương, sự mở rộng của các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, khu dân cư vùng ven, giải quyết bài toán nhà ở và mật độ dân số đông đúc cho các đô thị lớn như: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, tạo cơ hội cho thị trường bất động sản lân cận phát triển.

“Người dân tại những dự án nhà ở nằm trên các trục đường hạ tầng lớn có thể dễ dàng di chuyển thông qua các công trình giao thông liên kết vùng, có được sự thuận tiện trong quá trình sinh sống, học tập mà không nhất thiết phải đổ về TP. Hà Nội, TP.HCM - nơi có mật độ dân số cao và giá nhà vượt khả năng chi trả, đặc biệt là nhóm người trẻ”, ông Khương nhận định.

Nhân Hà